Trong sản xuất nông nghiệp, việc bón vôi không chỉ cung cấp canxi (Ca) cho cây trồng mà còn nhiều tác dụng khác, đặc biệt là tác dụng nâng cao độ pH cho đất trồng cây, cải thiện môi trường phát triển bộ rễ của cây trồng. Trong thực tế sản xuất, người nông dân còn đang loay hoay trong vấn đề xác định lượng vôi bón cho đất như thế nào cho đúng? Xác định chính xác lượng vôi cần bón là bao nhiêu để vừa giúp cây trồng phát triển thuận lợi, vừa đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp thì người nông dân chưa có câu trả lời phù hợp. Do vậy, trong bài viết này, chúng tôi trình bày phương pháp tính lượng vôi cần bón cho đất theo phương pháp Jensen và tìm hiểu mối tương quan giữa lượng vôi bón với lượng phân NPK tới năng suất của cây đậu tương. Phương pháp tính lượng vôi cần bón theo Jensen có nguyên lý là dựa vào tính đệm thực tế của các loại đất cần bón vôi - Xây dựng đồ thị tương quan giữa pH đất và lượng vôi cần thiết để làm thay đổi pH đất. Từ đó dựa vào phương trình tương quan để tính lượng vôi cần bón cho loại đất đó. Sau khi tính toán lượng vôi cần bón theo khối lượng đất, chúng tôi tiến hành thử nghiệm 4 mức pH đất khác nhau. Tại mỗi mức pH, cây đậu tương sẽ được bón 3 mức NPK (giống nhau về tỷ lệ N:P2O5:K2O nhưng khác nhau về khối lượng phân). Thí nghiệm gồm 12 công thức, mỗi công thức lặp lại 6 lần tương ứng với 6 thùng xốp, mỗi thùng chứa được 20kg đất. Thí nghiệm tiến hành từ tháng 09 đến 12 năm 2022, tại khu thí nghiệm BM KHĐ và DD cây trồng – Khoa TNMT – Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Trâu Quỳ - Gia Lâm – Hà Nội. Vật liệu nghiên cứu là: Đất đỏ vàng có độ pH = 4,17; Vôi nung (CaO); Phân Ure – Supe lân Lâm Thao – Kaliclorua; giống Đậu Tương ĐT84.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, trên cùng một nền bón vôi, bón lượng phân NPK càng lớn thì pH đất càng suy giảm nhanh theo thời gian trồng cây. Khi tăng lượng vôi bón vào trong đất, sự suy giảm pH do tăng lượng phân NPK được hạn chế rất đáng kể. Thứ hai là, trên cùng một nền bón vôi, khi tăng lượng bón NPK các chỉ tiêu năng suất của cây Đậu tương có xu hướng tăng theo tỷ lệ thuận, đặc biệt là chỉ tiêu khối lượng hạt/cây ở trên nền không bón CaO. Thứ ba là, trên cùng một nền bón lượng NPK như nhau, việc tăng lượng vôi bón (CaO) vào trong đất không chỉ góp phần làm cải thiện độ chua của đất mà còn giúp các chỉ tiêu năng suất của cây Đậu tương tăng rõ nét.

Tuy nhiên, vì thí nghiệm chậu vại là loại thí nghiệm mang tính chất thăm dò, định hướng nghiên cứu. Do vậy, để có những kết luận phù hợp hơn với thực tế sản xuất, chúng tôi đề nghị nên có thêm nghiên cứu ở quy mô thí nghiệm đồng ruộng (diện hẹp, diện rộng) về mối quan hệ giữa lượng vôi và lượng bón phân NPK tới sự sinh trưởng, phát triển, năng suất, hiệu quả kinh tế, hiệu quả cải tạo môi trường đất của cây đậu tương.

Ngoài ra, chỉ với một máy đo pH cầm tay đơn giản, một vài dụng cụ thí nghiệm (cốc thủy tinh), cân kỹ thuật (gram) là người nông dân có thể tự xác định được độ chua của đất; tính toán tương đối lượng Vôi cần bón để nâng pH đất lên ngưỡng thích hợp với cây trồng và phù hợp với khả năng đầu tư của chính họ. Trong trường hợp quá phức tạp, khó khăn, người nông dân có thể liên hệ với Bộ môn Khoa học đất và Dinh dưỡng cây trồng – Khoa Tài nguyên và môi trường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam để được tư vấn, hỗ trợ thêm về vấn đề này. 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA THÍ NGHIỆM

leftcenterrightdel
 

                                                     Ths. Nguyễn Văn Thao - Nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng