Canxi (Ca) và Magie (Mg) là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho tôm. Tôm trong trại sản xuất giống hoặc ao nuôi thương phẩm đều cần cung cấp đủ lượng Ca và Mg từ thức ăn và môi trường ao nuôi.
Vai trò
Khoáng là tên gọi tắt của một nhóm các chất cần thiết cho tôm, nếu thiếu khoáng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tôm nuôi. Trong đó, khoáng Ca và Mg đóng vai trò không nhỏ quyết định đến chất lượng nước và sức khỏe của tôm.
Ca: Cần thiết cho quá trình nhân lên của tế bào, tham gia vào quá trình đông máu, các chức năng của cơ, sự truyền dẫn thần kinh, điều hòa áp suất thẩm thấu; Góp mặt trong quá trình hình thành lớp vỏ kitin; làm hệ đệm trong môi trường nước, làm chậm tăng pH khi hàm lượng Ca trong ao nuôi đầy đủ thì Ca làm hệ đệ trong môi trường nước rất tốt: khi pH tăng nó có tác dụng trong việc giảm pH khi xảy ra trường hợp quang hợp cao (tảo phát triển quá mức) nó sẽ điều chỉnh pH giảm ở mức ổn định và khi pH giảm quá nó sẽ làm cho pH tăng ổn định trở lại. Trong ao nuôi, nếu thiếu Ca, tôm sẽ gặp phải các tình trạng như cong thân đục cơ, mềm vỏ, tôm không lột vỏ được, sức đề kháng kém tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.
Mg: Có vai trò điều hòa trao đổi chất qua màng tế bào, đảm bảo hoạt động bình thường của tim, não và các mô cơ; là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme; làm lắng tụ các hạt sét lơ lửng, làm giảm độ đục. Tôm dễ hấp thu Mg từ môi trường nước. Thiếu Mg tôm sẽ giảm ăn, tỷ lệ chết cao. Vì vậy, khi hàm lượng Mg trong ao nuôi đầy đủ giúp nâng cao tỷ lệ sống và năng suất.
Tỷ lệ thích hợp
Trong nước biển, tỷ lệ Ca:Mg là 1:3,4 và đây là tỷ lệ tối ưu cho tôm phát triển (nước biển trung bình có 400 mg/l Ca và 1.350 mg/l Mg). Khi nuôi tôm trong điều kiện nước biển, tôm phát triển rất tốt, nếu nuôi trong điều kiện nước lợ độ mặn thấp, người nuôi phải bổ sung Ca, Mg để đạt được tỷ lệ tối ưu trong môi trường nước.
Các nghiên cứu chưa chỉ ra nồng độ lý tưởng của Mg trong ao nuôi có độ mặn thấp để nuôi tôm là bao nhiêu. Tuy nhiên, tỷ lệ Mg so với nước biển độ mặn (ppt) trong nước biển là khoảng 40:1 Từ đó có thể ước tính được nồng độ Mg trong môi trường nước có độ mặn thấp, bằng cách nhân với 40 ppt. Ví dụ: Tại ao nuôi có độ mặn 5 ppt thì nồng độ Mg thích hợp sẽ là 200 mg/l.
Bổ sung
Tôm có thể hấp thu khoáng qua 2 cách: Khoáng tạt ao tôm và khoáng trộn thức ăn cho tôm nuôi. Đối với những ao nuôi có độ mặn thấp, tôm sẽ khó khăn trong việc hấp thu khoáng hòa tan có trong môi trường nước. Trường hợp này cần bổ sung khoáng vào khẩu phần thức ăn cho ao tôm để dễ dàng hấp thụ trực tiếp vào cơ thể tôm. Đặc điểm này rất quan trọng để người nuôi có các cách thức cung cấp nguồn khoáng cho tôm. Người nuôi cần chọn loại thích hợp, đặc biệt là chọn nhà cung cấp có uy tín, sản phẩm có chất lượng tốt.
Nên bổ sung chất khoáng vào thời điểm tôm lột xác vì khi đó nhu cầu ôxy của tôm sẽ tăng cao và sau khi lột xác tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng chất từ môi trường để tạo vỏ. Cần thường xuyên kiểm tra hàm lượng khoáng trong nước ao nuôi để bổ sung khi cần thiết. Để tăng hiệu quả sử dụng, nên tính toán nồng độ ion ở độ mặn mong muốn và liều lượng sản phẩm để bổ sung ion. Sử dụng bộ thử để kiểm tra hàm lượng Ca, Mg trong ao tôm hoặc máy đo khoáng có thành phần, hàm lượng được đề cập và xuất xứ rõ ràng.
Khoa Thủy sản sưu tầm