GD&TĐ - Từ kinh nghiệm của mình, Chủ tịch Công ty cổ phần FEC Nguyễn Minh Quang cho rằng, để khởi nghiệp thành công bạn cần lựa chọn đúng con đường
|
|
Đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam giải đáp thắc mắc của học sinh. Ảnh: LT. |
Cần chọn lựa đúng con đường
Chiều 15/4, tại Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) đã diễn ra Hội thảo Hành trình khởi nghiệp từ THPT. Hội thảo do Sở GD&ĐT Thanh Hóa phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Chương trình cũng được phát trực tuyến trên nền tảng Zoom của các trường THPT còn lại trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định tầm quan trọng của kiến thức khởi nghiệp đối với quá trình hình thành doanh nghiệp.
|
|
PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa phát biểu. Ảnh: LT |
"Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Học viện Nông nghiệp Việt Nam là cơ sở đào tạo uy tín, đa ngành và đạt chuẩn đào tạo quốc tế, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao. Đặc biệt, Học viện cũng chú trọng tới đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp. Tôi cho rằng đây là hướng đi đúng, mang tính hội nhập quốc tế cao”, PGS.TS Trần Văn Thức nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, hội thảo là một trong những hoạt động hợp tác giữa hai bên. Đồng thời, đề nghị Học viện sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ học sinh các trường THPT tại Thanh Hóa, nhất là trong vấn đề hình thành ý tưởng khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học.
|
|
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trường THPT Đào Duy Từ và phát trực tuyến tới các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh: LT |
“Đề nghị Học viện sẽ hợp tác để tiếp nhận các em học sinh của tỉnh có nguyện vọng, khát vọng và đam mê khởi nghiệp. Tất cả vì một nền khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, một nền nông nghiệp xanh, sạch”, ông Thức nói thêm.
×GS.TS, Nhà giáo Ưu tú Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Trong gần 70 năm, Học viện đã đào tạo cho đất nước gần 120.000 cán bộ trình độ đại học, gần 15.000 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ. Qua đó, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho 63 tỉnh, thành cả nước.
Đặc biệt, Học viện đã ký kết biên bản ghi nhớ với hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế… Qua đó, mở ra cơ hội giao lưu sinh viên quốc tế cho khoảng 500 sinh viên, sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.
Theo GS.TS Phạm Văn Cường, sinh viên học tập tại Học viện không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn trang bị kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ. Nhờ vậy, trên 97% sinh viên của Học viện có việc làm trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp.
|
|
GS.TS, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: LT. |
“Học viện đặc biệt quan tâm đến công tác khởi nghiệp trong sinh viên. Từ năm 2014 đến nay, Học viện là đơn vị tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút hơn 1.200 dự án khởi nghiệp từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, THPT,... Qua đó, phần nào khẳng định được sự sáng tạo, đam mê và thành công của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam với phong trào khởi nghiệp”, GS.TS Phạm Văn Cường cho hay.
GS.TS Phạm Văn Cường hy vọng, hội thảo hôm nay sẽ tiếp lửa đam mê và là bệ phóng thành công cho các em học sinh có ý tưởng sáng tạo và nhiệt huyết khởi nghiệp.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FEC tâm huyết nói: “Để khởi nghiệp thành công, các bạn cần lựa chọn đúng con đường. Con đường luôn quan trọng hơn cách đi. Ngoài ra, các bạn cũng nên nhớ rằng, dù lựa chọn ngành nào thì cũng cần phát huy được sở trường của mình, đừng lựa chọn ngành nghề mà bạn thân của mình chọn,...
Lựa chọn được ngành nghề rồi thì các bạn cũng cần lựa chọn được trường tốt, thầy dạy tốt,... điều đó sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian trên hành trình khởi nghiệp của bạn”.
|
|
Ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FEC chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Ảnh: LT |
Hiện Công ty Cổ phần FEC đang tạo công ăn việc làm cho hơn 150 lao động có trình độ đại học, với nhiều chuyên ngành nghề như: Công nghệ Sinh học, Tài nguyên môi trường, Đất đai,... Doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp này đạt khoảng 150 tỷ đồng.
Lựa chọn ngành nghề phù hợp
Phát biểu tham luận, em Mai Ánh Ngọc (lớp 12B8, Trường THPT Đào Duy Từ) đặt câu hỏi: “Em nên học ngành nghề nào để sau khi ra trường có thể có nhiều cơ hội việc làm, không bị thất nghiệp trong thời đại 4.0?”.
Với câu hỏi này, PGS.TS Trần Trọng Phương - Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, với những bạn đang có băn khoăn tương tự nên xem xét về khả năng, sở trường của mình.
Giải đáp thêm về thắc mắc này, bà Bùi Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Trước hết, các bạn học sinh cần đánh giá lại năng lực, sở trường của bản thân kết hợp với sự đánh giá, nhìn nhận của thầy cô và gia đình. Cùng với sự tham vấn từ thầy cô, các bạn cũng nên tìm hiểu về nhu cầu của xã hội và tuyệt đối không chạy theo trào lưu.
Trả lời câu hỏi về học bổng tài năng của học sinh Nguyễn Hoàng Minh (lớp 12B1, Trường THPT Đào Duy Từ), GS.TS Phạm Văn Cường cho biết, đây là học bổng được nhà trường triển khai từ 2022. Sinh viên nhận học bổng này sẽ được miễn toàn bộ học phí. Tuy nhiên, để dành học bổng này, sinh viên phải đạt thành tích học tập tốt qua mỗi kỳ. Đặc biệt, với học bổng này sinh viên còn được doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
|
|
Em Mai Ánh Ngọc, lớp 12B8, Trường THPT Đào Duy Từ đặt câu hỏi tại hội thảo. Ảnh:LT. |
Em Vũ Văn Ninh (lớp 12B9, Trường THPT Đào Duy Từ) đặt câu hỏi: "Ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam có những ngành nghề nào dễ khởi nghiệp thành công?".
Với câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FEC cho rằng, không có ngành nghề nào khởi nghiệp dễ thành công cả. Để khởi nghiệp thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán và đặc biệt là kinh nghiệm,...
"Với học sinh tốt nghiệp THPT bắt đầu khởi nghiệp vẫn có cơ hội thành công đấy. Tuy nhiên, bạn phải đánh đổi bằng thời gian, phải nếm trải nhiều hơn,...", ông Quang nói.
https://giaoducthoidai.vn/