Chuỗi giá trị thực phẩm 2025: Chuyến tham quan thực tế khơi dậy tình yêu và tâm huyết với nông nghiệp Việt Nam
Cập nhật lúc 09:40, Thứ hai, 21/07/2025 (GMT+7)
Sáng ngày 04/07/2025, trong khuôn khổ khóa tập huấn Chuỗi giá trị thực phẩm 2025, các chuyên gia thuộc dự án HRD cùng giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có chuyến tham quan học tập tại Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng và HTX Vải thiều Lục Ngạn xanh tại tỉnh Bắc Ninh. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp các học viên kết nối kiến thức lý thuyết với thực tiễn, nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp.
Sáng ngày 04/07/2025, trong khuôn khổ khóa tập huấn Chuỗi giá trị thực phẩm 2025, các chuyên gia thuộc dự án HRD cùng giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có chuyến tham quan học tập tại Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng và HTX Vải thiều Lục Ngạn xanh tại tỉnh Bắc Ninh. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp các học viên kết nối kiến thức lý thuyết với thực tiễn, nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp.
HTX Rau sạch Yên Dũng: Nơi tình yêu nông nghiệp trở thành động lực phát triển
Tại HTX Rau sạch Yên Dũng, đoàn đã được nghe Phó Giám đốc Trần Thị Thu Trang, một cựu sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu chi tiết về quá trình xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một mô hình sản xuất rau quả tiêu biểu tại Bắc Ninh, nổi bật với việc ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống tưới tiêu tự động và quản lý dinh dưỡng cây trồng khoa học, sử dụng nhà sơ chế và đóng gói sản phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Đoàn đã được đến thăm khu sản xuất dưa chuột, dưa lưới, nho Hạ đen…, cũng như được nếm thử những sản phẩm rau, quả tươi ngon được trồng và thu hoạch tại nơi đây. Không chỉ dừng lại ở những con số về diện tích, năng suất hay công nghệ, các học viên còn cảm nhận được rõ tình yêu và sự tâm huyết của những người quản lý và sản xuất tại HTX. Những người điều hành HTX đã chia sẻ chân thực về hành trình đầy thách thức từ những ngày đầu thành lập đến khi đạt được thành công như hiện nay. Chính niềm đam mê và tình yêu với nghề nông đã thúc đẩy họ không ngừng học hỏi, ứng dụng các công nghệ mới, giúp nâng cao giá trị kinh tế và góp phần phát triển bền vững nông nghiệp địa phương. Sản phẩm của HTX không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các nông hộ và phát triển bền vững ngành rau sạch tại địa phương.
    |
 |
Phó Giám đốc Trần Thị Thu Trang giới thiệu về HTX Rau sạch Yên Dũng |
HTX Vải thiều Lục Ngạn xanh: Điển hình về khát vọng nâng tầm nông sản Việt
Tiếp đó, đoàn tham quan đã ghé thăm HTX Vải thiều Lục Ngạn xanh, nơi được biết đến với mô hình sản xuất vải thiều chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế như GlobalGAP và tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và Mỹ. Tại đây, bà Trần Thị Ánh - Phó giám đốc HTX đã giới thiệu về quy trình quản lý sản xuất và sơ chế sau thu hoạch, đặc biệt là các giải pháp giảm tổn thất trong quá trình vận chuyển, lưu trữ và tiêu thụ sản phẩm. Đây là những kinh nghiệm quý báu giúp nâng cao giá trị thương mại, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đằng sau sự thành công ấy là cả một câu chuyện về tình yêu với cây vải thiều, về khát vọng đưa thương hiệu vải thiều Lục Ngạn vượt ra khỏi biên giới Việt Nam của những người điều hành HTX.
    |
 |
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Ninh, Phó Giám đốc HTX Vải thiều Lục Ngạn xanh cùng với chuyên gia dự án HRD, giảng viên và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại đồi vải Lục Ngạn |
Các học viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều bày tỏ sự hào hứng, phấn khởi khi tận mắt chứng kiến các mô hình sản xuất tiên tiến, thực tế. Họ đặc biệt ấn tượng bởi tinh thần đổi mới sáng tạo, nhiệt huyết và tình yêu nông nghiệp của những người trực tiếp điều hành các HTX. Nhiều học viên nhận thấy rõ hơn vai trò quan trọng của ngành Công nghệ thực phẩm đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tất cả những điều này đã giúp học viên thấy rõ giá trị thực tế của việc áp dụng kiến thức lý thuyết vào sản xuất, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chuyến tham quan đã giúp các sinh viên định hình rõ hơn về tương lai nghề nghiệp, thúc đẩy quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nước nhà. Đây thực sự là bước đệm quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng tầm giá trị của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Khoa Công nghệ thực phẩm