Hiện nay chăn nuôi gia cầm ở nước ta theo 4 phương thức chủ yếu: chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi vịt thả đồng, chăn nuôi bán công nghiệp, chăn nuôi công nghiệp. Trong đó các giống gà bản địa và gà lai bản địa chỉ phù hợp với chăn nuôi bán công nghiệp và chăn nuôi nông hộ.

Gà Tre là giống gà bản địa lâu đời, đã thích nghi với điều kiện chăn nuôi Việt Nam. Giống gà này ngoài vẻ bề ngoài nhỏ nhắn, màu sắc đẹp, thịt thơm ngon còn có khả năng thích nghi cao với điều kiện tự nhiên và có sức chống chịu bệnh tật tốt. Gà M15 là con lai giữa gà Leghorn và gà ISA Brown đều là các giống gà chuyên trứng, có tầm vóc lớn hơn gà Tre và sản lượng trứng cao hơn gà Tre. Được sự tài trợ kinh phí thông qua đề tài cấp Học viện, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu „Đánh giá khả năng sinh trưởng và năng suất cho thịt của con lai giữa gà Tre và M15 nuôi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam“

                           Hình 1: Gà Tre                                                               Hình 2: Gà M15

Mục tiêu của đề tài: 1. Đánh giá tỷ lệ nuôi sống của gà Tre và con lai giữa gà Tre và gà M15; 2. Đánh giá khả năng sinh trưởng, tiêu tốn thức ăn của gà Tre và con lai giữa gà Tre và gà M15; 3. Đánh giá năng suất cho thịt của gà Tre và con lai giữa gà Tre với gà M15.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: 1. Tỷ lệ nuôi sống đến cuối kỳ của con lai (Tre x M15) (93,33%) thì cao hơn gà Tre thuần (92,22%); 2. Ở 3 tuần đầu gà Tre lớn nhanh hơn con lai nhưng sau đó chậm dần và về cuối tốc độ tăng khối lượng của gà tre thấp hơn so với con lai; 3. Tiêu tốn thức ăn của gà tre cao hơn so với con lai. FCR cả kỳ của gà Tre là 5,22 trong khi của con lai (Tre x M15) là 4,56; 4. Ở cùng 16 tuần tuổi khối lượng giết thịt của gà lai cao hơn của gà Tre.

Hình 3: Gà Tre lai M15