Kim loại nặng là những chất gây ảnh hưởng tiềm ẩn đối với môi trường và con người, tích lũy trong thực phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vì có thời gian bán hủy sinh học dài, và có khả năng tích tụ trong các cơ quan cơ thể khác nhau (Radwan MA, Salama AK, 2006). Rau có thể bị nhiễm kim loại nặng nếu trồng trên đất bị ô nhiễm do các nguồn thải công nghiệp, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới bị ô nhiễm (Trần Khắc Thi, 2008, Song B, Lei M, Chen T, 2009). Với độc tính mạnh, khả năng lan truyền nhanh, các độc tố kim loại nặng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ nhiễm độc ở người, gây các bệnh ung thư nguy hiểm. Sau khi thâm nhập vào cơ thể Cd tồn tại ở dạng Cd2+ có thể thay thế Zn trong các enzim và gây rối loạn trao đổi chất. Ở nồng độ Cd 0,5-1mg/kg, có thể gây các bệnh thiếu máu, đau thận và phá hủy tủy xương (Alloway B & et al., 2013).
Rau xanh là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống và dinh dưỡng của con người vì trong rau có chứa các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, protein, khoáng chất, các nguyên tố vi lượng và các chất dinh dưỡng khác (Eric L, 2009). Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng của việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật thì chất lượng rau còn bị ảnh hưởng bởi nước tưới và đất bị ô nhiễm (Yang QW, Xu Y, 2011). Do đó, các vấn đề về an toàn thực phẩm và những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và môi trường cần được đánh giá để hạn chế rủi ro cho cộng đồng (Radwan MA, Salama AK, 2006).
Phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh là khu vực trồng rau với diện tích trên 500 ha, (chiếm khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp), thuộc lưu vực tưới Ngũ Huyện Khê - hệ thống thủy lợi Bắc Đuống, khu vực cung cấp khối lượng lớn rau xanh và nông sản cho thành phố Bắc Ninh và khu vực Hà Nội. Nhưng hiện nay, đất canh tác và nước tưới trong khu vực chịu nhiều tác động của các nguồn xả thải từ công nghiệp và làng nghề tái chế kim loại, giấy và đúc đồng do đó có nguy cơ tác động lớn đến chất lượng nông sản. Nguồn nước tưới chính hiện nay lấy từ kênh tưới Ngũ Huyện Khê có chất lượng không đảm bảo, thường xuyên bị ô nhiễm nặng.
Kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng hàm lượng kim loại nặng (Cu, Pb, Zn, Cd và As) trong nước tưới, trong đất trồng và sự tích trong rau tại phường Khúc Xuyên - thành phố Bắc Ninh trong 2 vụ xuân hè và vụ đông của 2 năm 2020 và 2021 cho thấy nồng độ Cu, Pb, Cd, Zn và As trong nước tưới đều vượt giới hạn cho phép tại QCVN 08:2015/BTNMT, cột B1. Đất trồng rau tại khu vực đã được phát hiện thấy các thông số Zn và Cd gần tới ngưỡng trên của giới hạn an toàn. Các thông số Cu, Pb và As trong đất thấp hơn giới hạn cho phép qui định tại QCVN 03:2015/BTNMT. Mẫu rau khu vực nghiên cứu không bị tích lũy Cu, Zn và Cd, nhưng đã có sự tích lũy Pb (xà lách và cải), một số mẫu bị tích lũy As (xà lách). Rau mồng tơi và cải cúc chưa thấy hiện tượng tích lũy Cu, Pb, Zn, Cd và As, vẫn nằm trong giới hạn an toàn theo quy định của WHO và CODEX.
ThS. Nguyễn Thị Giang - Nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng