Nhu cầu sử dụng thực phẩm từ thịt của con người ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, khiến cho hoạt động chăn nuôi cũng có nhiều thay đổi. Mô hình chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình dần chuyển sang các hình thức chăn nuôi trang trại tập trung thâm canh với sản lượng lớn (Wang và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ, xen kẽ trong các khu dân cư ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể. Điều này đã gây ra những tác động nhất định đến chất lượng môi trường sống của con người, đặc biệt là ở các khu vực tập trung đông dân cư sinh sống. Ở Việt Nam, ô nhiễm mùi và chất thải từ các khu vực chăn nuôi lợn mật độ lớn như các xã Ngọc Lũ (tỉnh Hà Nam), xã Đông Trung (tỉnh Thái Bình), xã Gia Tân và Sông Trầu (tỉnh Đồng Nai), và xã Vĩnh Lộc (TP HCM) đã dẫn đến nhiều khiếu nại và thậm chí xung đột xã hội giữa những người dân trong xã (Đinh Xuân Tùng, 2017). Do đó, việc đánh giá sự phù hợp về mặt không gian đối với phát triển chăn nuôi đã được đề xuất như một phương pháp luận hiệu quả để giảm thiểu các tác động môi trường tiềm ẩn (Benson và Mugarura, 2013).

leftcenterrightdel
Nước thải từ chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước gần khu dân cư

Nước thải từ chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước gần khu dân cư

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay, ngành chăn nuôi đang chiếm khoảng 24% tổng sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về việc phân bổ đất cho chăn nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích đất nông nghiệp toàn quốc lên tới hơn 27 triệu hecta, trong đó có khoảng 11 triệu hecta đất trồng trọt, 15 triệu hecta đất lâm nghiệp, 790 nghìn hecta đất nuôi trồng thủy sản, 15 nghìn hecta đất làm muối và gần 60 nghìn hecta đất nông nghiệp khác.

Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới thường dành một phần lớn đất cho chăn nuôi, đặc biệt là ở châu Âu, nơi đồng cỏ và cây thức ăn cho gia súc thường chiếm từ 50-70% diện tích đất nông nghiệp. Đáng chú ý, có những quốc gia như Ireland có đến hơn 90% diện tích đất nông nghiệp là đồng cỏ và cây thức ăn cho chăn nuôi. Hội Chăn nuôi đã đề xuất bổ sung quy định về đất chăn nuôi vào Luật Đất đai sửa đổi. Đặc biệt, đề xuất giải thích rõ hơn về khái niệm "đất cho chăn nuôi tập trung", để các cơ quan địa phương áp dụng trong quy hoạch, nhằm đảm bảo "đất cho chăn nuôi tập trung" là đất nông nghiệp có khả năng xây dựng chuồng trại lâu dài và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh cho con người, vật nuôi và môi trường sinh thái.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn nhằm hỗ trợ các địa phương trong công tác quy hoạch đất đai và bố trí các diện tích đất thích hợp cho chăn nuôi đảm bảo các yếu tố về môi trường, kinh tế và xã hội, Nhóm nghiên cứu Quản lý Tài nguyên và Môi trường bền vững tại Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài “Ứng dụng GIS và phương pháp phân tích đa chỉ tiêu xác định vị trí thích hợp cho quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung: trường hợp nghiên cứu tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang”. Đề tài đã xây dựng bộ chỉ tiêu trong đánh giá tính phù hợp của đất đai bao gồm các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường và sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc AHP nhằm xếp hạng mức độ quan trọng của từng chỉ tiêu. Từ đó, phương pháp phân tích không gian trong GIS đã được áp dụng nhằm xây dựng bản đồ phân vùng mức độ phù hợp cho chăn nuôi. Kết quả của đề tài sẽ hỗ trợ tích cực cho địa phương trong rà soát nguồn tài nguyên đất đai và quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng theo quy định của Luật Chăn nuôi.

leftcenterrightdel
 

Tài liệu tham khảo:

Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, 2023. Kiến nghị bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào Luật Đất đai (sửa đổi). https://dangcongsan.vn/kinh-te/kien-nghi-bo-sung-danh-muc-dat-cho-chan-nuoi-vao-luat-dat-dai-sua-doi-636067.html

Benson, T., Mugarura, S., 2013. Livestock development planning in Uganda: identification of areas of opportunity and challenge. Land Use Pol. 35, 131e139

Đinh Xuân Tùng, 2017. Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam: Ngành chăn nuôi. Ngân hàng thế giới, Washington, DC.

Wang, X., Wu, X., Yan, P., Gao, W., Chen, Y., Sui, P., 2016. Integrated analysis on economic an environmental consequences of livestock husbandry on different scale in China. J. Clean.

                                                TS. Nông Hữu Dương  - Nhóm NCXS Quản lý Tài nguyên và Môi trường bền vững

                                                                             Khoa Tài nguyên và Môi trường