Khái niệm đồ uống có đường
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường (ĐUCĐ) là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm có nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu [1].
Trong khái niệm này, đường tự do là các đường đơn (glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được nhà sản xuất, người chế biến, nấu thực phẩm hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc [1].
Tình hình sử dụng đồ uống có đường ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc tiêu thụ ĐUCĐ đã tăng mạnh trong những năm qua. Theo Statista, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2021 tăng lên tới gần 56 lít/người/năm. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới[2][3].
Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi 15-45 chiếm tỷ lệ hơn 46%[4], đây là độ tuổi được đánh giá là có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của các nhà sản xuất nước giải khát. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013 cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) là 31,1%[5]). Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như điều kiện khí hậu nóng ẩm, văn hóa ẩm thực đa dạng, mức sống tăng nhanh, đồ uống có đường đang ngày càng đa dạng về chủng loại, có thể dễ dàng mua với giá thành phù hợp với nhiều tầng lớp dân cư và sự phát triển nhanh của dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, quảng cáo, tiếp thị đã đẩy nhu cầu và mức tiêu thụ ĐUCĐ tăng nhanh qua các năm.
Tác hại của đồ uống có đường đến sức khoẻ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng ĐUCĐ có liên quan đến vấn đề sức khỏe như
- Đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì
- Đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2
- Đồ uống có đường cũng là nguy cơ làm gia tăng bệnh tim mạch
- Đồ uống có đường có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở cả nam và nữ
- Đồ uống có đường có thể có tác động xấu đến sức khỏe của xương
- Tần suất sử dụng đồ uống có đường tỷ lệ thuận với nguy cơ tử vong
- Đồ uống có đường có mối liên hệ trực tiếp tới sâu răng và các bệnh về răng miệng
Hiện nay, tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng đáng kể ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các khu vực thành thị[6]. Căn nguyên gây nên bệnh béo phì rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ ĐUCĐ ở cả cả trẻ em và người lớn[7][8][9]. Bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ ĐUCĐ với tỷ lệ tử vong. Theo đó, giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình[10][11][12][13].
Từ các nghiên cứu cho thấy, ĐUCĐ thường được dung nạp nhanh chóng và không mang lại cảm giác no giống như thức ăn đặc[14]. Do đó, người tiêu dùng có xu hướng không giảm lượng thức ăn khác đủ để bù đắp cho lượng calo từ đồ uống có đường[15]. Điều này có thể khiến một người tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống ĐUCĐ với hàm lượng calo cao. Bên cạnh đó, ĐUCĐ bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate khác. Ngoài ra, mặc dù ĐUCĐ có thể chứa ít đường hơn các loại bánh ngọt nhưng trong bữa ăn mọi người sẽ có xu hướng xem bánh ngọt là món tráng miệng và sẽ hạn chế ăn bánh ngọt hơn là uống ĐUCĐ. Lượng calo dư thừa từ ĐUCĐ này góp phần gây ra thừa cân và béo phì vì chúng dễ dàng chuyển hóa thành chất béo trong cơ thể và được lưu trữ trong các mô khác nhau.
[1] World Health Organization 2017. Taxes on Sugary Drinks: Why Do It? World Health Organization. [(accessed on 6 June 2021)];2017 Available online: https://apps.who.int/iris/handle/10665/260253; WHO 2020. Assessing national capacity for the prevention and control of noncommunicable disease: report of the 2019 global survey. Geneva: World Health Organization; 2020. Licence: CC BY-NC-SA 3.0 IGO.
[2] World Health Organisation. Guideline: Sugars Intake for Adults and Children. 2015. Available online: https://www.who.int/publications/i/item/9789241549028 (accessed on 29 September 2020).
[3] https://www.who.int/publications/i/item/9789241549028 và https://www.who.int/news/item/04-03-2015-who-calls-on-countries-to-reduce-sugars-intake-among-adults-and-children.
[4] Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2019, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/12/Ket-qua-toan-bo-Tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-2019.pdf.
[5] https://vncdc.gov.vn/cac-khuyen-nghi-cua-to-chuc-y-te-the-gioi-de-kiem-soat-tieu-thi-do-uong-co-duong-nham-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-tai-viet-nam-nd13438.html.
[6] Key TJ, Schatzkin A, Willett WC, Allen NE, Spencer EA, Travis RC. Diet, nutrition and the prevention of cancer. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):187-200.
[7] Srinath Reddy K, Katan MB. Diet, nutrition and the prevention of hypertension and cardiovascular diseases. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):167-86.
[8] Steyn NP, Mann J, Bennett PH, Temple N, Zimmet P, Tuomilehto J et al. Diet, nutrition and the prevention of type 2 diabetes. Public Health Nutrition. 2004; 7(1A):147-65.
[9] Swinburn BA, Sacks G, Hall KD, McPherson K, Finegood DT, Moodie ML, Gortmaker SL. The global obesity pandemic: shaped by global drivers and local environments. Lancet. 2011; 378(9793):804-14.
[10] Malik VS, Pan A, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and weight gain in children and adults: a systematic review and meta-analysis. American Journal of Clinical Nutrition. 2013; 98(4):1084-102.
[11] Mattes RD, Shikany JM, Kaiser KA, Allison DB. Nutritively sweetened beverage consumption and body weight: a systematic review and meta-analysis of randomized experiments. Obesity Reviews. 2011; 12(5):346-65.
[12] Te Morenga L, Mallard S, Mann J. Dietary sugars and body weight: systematic review and meta-analyses of randomised controlled trials and cohort studies. BMJ. 2013; 346:e7492.
[13] Malik VS, Popkin BM, Bray GA, Després JP, Willett WC, Hu FB. Sugar-sweetened beverages and risk of metabolic syndrome and type 2 diabetes: a meta-analysis. Diabetes care. 2010 Nov 1;33(11):2477-83.
[14] Malik V, Li Y, Pan A, De Koning L, Schernhammer E, Willett W, Hu F. Long-Term Consumption of Sugar-Sweetened and Artificially Sweetened Beverages and Risk of Mortality in US Adults. Circulation. 2019 Mar 18
[15] Fung TT, Malik V, Rexrode KM, Manson JE, Willett WC, Hu FB. Sweetened beverage consumption and risk of coronary heart disease in women. The American journal of clinical nutrition. 2009 Feb 11;89(4):1037-42.
Nguồn tin: TS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19 (443), tháng 10/2021)
Người tổng hợp và dịch: TS. Vũ Quỳnh Hương – Bộ môn Công nghệ chế biến, Khoa CNTP