Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang đối mặt với thách thức từ chi phí nguyên liệu tăng cao và áp lực môi trường ngày một lớn, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả đã trở thành một hướng đi cấp thiết. Điều này đã được chứng minh từ hiệu quả ứng dụng nhiệm vụ KHCN nghiên cứu phụ phẩm lên men phục vụ chăn nuôi tại Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Quảng Ninh.
 |
Tập kết phụ phẩm nông nghiệp để nghiên cứu thức ăn lên men dạng lỏng. |
Nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chủ trì đề tài nghiên cứu ứng dụng nhiệm vụ KHCN nghiên cứu phụ phẩm lên men phục vụ chăn nuôi, thí điểm và sau đó là chuyển giao công nghệ cho Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Quảng Ninh.
Tiến sĩ Cù Thị Thiên Thu (Học viện Nông nghiệp), chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: Chúng tôi đã tiến hành chọn 400 con lợn Móng Cái có khối lượng khoảng 10kg/con (giai đoạn 30 ngày tuổi), chia ngẫu nhiên thành 2 lô: Lô ĐC (sử dụng thức ăn hỗn hợp đậm đặc) và Lô TN (sử dụng thức ăn lên men lỏng của nhiệm vụ). Lợn khảo sát được nuôi thành 2 đợt. Đợt 1 bắt đầu vào tuần đầu tháng 2/2024, đợt 2 bắt đầu vào tuần giữa tháng 2/2024. Thời gian nuôi là 165 ngày. Mỗi đợt tiến hành nuôi 200 con (Lô ĐC: 100 con, lô TN: 100 con). Lợn ở mỗi lô được chia vào 2 ô chuồng, mỗi ô 50 con.
Mục đích thí điểm nhằm so sánh hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn khi sử dụng thức ăn lên men lỏng từ thức ăn xanh và phụ phẩm công - nông nghiệp (thức ăn do nhiệm vụ sản xuất) và thức ăn cũ của mô hình (thức ăn công nghiệp); đồng thời so sánh mức độ sử dụng kháng sinh thông qua tỷ lệ mắc bệnh của nhóm đối chứng và mô hình chăn nuôi sử dụng thức ăn lên men dạng lỏng.
Theo nhiệm vụ, nguyên liệu sử dụng cho sản xuất thức ăn lên men lỏng nuôi lợn bao gồm các loại thức ăn xanh (rau, bèo, dọc khoai, rau muống, cỏ voi non, cây ngô non...), thức ăn giàu tinh bột như cám gạo, bột ngô, bột sắn, bột thóc nghiền, các loại củ... và các loại phụ phẩm như bỗng rượu, bã bia, bã sắn, bã đậu... Đây đều là những nguyên liệu giá rẻ, có sẵn tại địa phương. Như vậy, những phụ phẩm nông nghiệp từng bị bỏ đi thì nay được sử dụng bằng cách phối trộn theo các công thức cân bằng dinh dưỡng khoa học, lên men bằng chế phẩm vi sinh, bổ sung enzyme để phân giải xơ, đã tạo ra khẩu phần dinh dưỡng hoàn chỉnh cho đàn lợn.
 |
TS. Cù Thị Thiên Thu (phải, thứ hai) cùng nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiểm tra chất lượng thức ăn phối trộn đầu vào để lên men. |
"Các chỉ số kỹ thuật thu được từ nhiệm vụ không chỉ tốt, mà còn ổn định: Tốc độ tăng trọng cao, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm mùi chuồng trại, gần như không dùng kháng sinh. Đặc biệt, chất lượng thịt ngon, săn chắc, đáp ứng yêu cầu thị trường đang ngày càng khắt khe với thực phẩm sạch" - Tiến sĩ Cù Thị Thiên Thu khẳng định sau khi hoàn thành thí điểm nhiệm vụ.
Về mặt kinh tế, mô hình giúp tiết giảm đáng kể chi phí chăn nuôi nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thay vì phụ thuộc vào cám công nghiệp giá cao. Theo ông Trần Hòa, Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, tính toán sơ bộ sau khi ứng dụng mô hình chăn nuôi bằng thức ăn lên men dạng lỏng, giá thành sản xuất giảm, trong khi chất lượng thịt giúp đầu ra thuận lợi hơn. Điều này cũng đã mở ra hướng cạnh tranh mới cho sản phẩm nông nghiệp nội địa của doanh nghiệp.
 |
Đàn lợn sử dụng thức ăn lên men dạng lỏng từ phụ phẩm nông nghiệp có sức tăng trưởng tốt. |
Hiện nay, đề tài đã xây dựng được 8 công thức thức ăn lên men dạng lỏng từ thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp trong nuôi lợn nội và lợn lai. Như vậy, câu chuyện sử dụng phụ phẩm trong chăn nuôi từng gây ngờ vực, nay đã trở thành điểm tựa để người chăn nuôi tự tin hơn khi bước ra thị trường. Mặt khác, lợi ích kinh tế đến từ việc tận dụng nguyên liệu sẵn có, giảm phụ thuộc vào cám công nghiệp. Theo ước tính, mỗi lứa lợn nuôi bằng thức ăn lên men giúp tiết kiệm 10-15% chi phí thức ăn, một con số không nhỏ với người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Điều giá trị nhất mà nhiệm vụ mang lại, có lẽ không nằm ở khẩu phần ăn mới hay mô hình nuôi thử nghiệm, mà là sự chuyển dịch âm thầm trong tư duy người làm nông. Thay vì chỉ chăn nuôi bằng kinh nghiệm, họ bắt đầu học cách dựa vào khoa học một cách khả thi. Vì vậy có thể nói, kết quả nghiên cứu phụ phẩm lên men dùng trong chăn nuôi không đơn thuần là một dự án mà là tín hiệu cho một hướng đi dài hơi với ngành chăn nuôi Quảng Ninh; đó là phát triển chăn nuôi hữu cơ trên nền tảng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp.
Hoàng Yến - https://baoquangninh.vn/