Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới, xếp thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Thủy sản Việt Nam được chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản là rất lớn.

Khoa thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt nam hiện đào tạo bậc đại học chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản và Bệnh học thủy sản, bậc cao học chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản, kết hợp với các đơn vị trong vào ngoài nước đào tạo bậc thạc sỹ và tiến sỹ ngành thủy sản. Sinh viên sau khi ra trường được cấp bằng kỹ sư ngành Nuôi trồng thủy sản, chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản hoặc Bệnh học thủy sản.

Khoa Thủy sản đào tạo theo hệ thống tín chỉ, lấy người học làm trung tâm. Bên cạnh đào tạo lý thuyết, sinh viên được thực hành, rèn nghề, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý liên quan đến con giống, công nghệ nuôi, thức ăn, quản lý sức khỏe, dịch bệnh, kinh tế, môi trường, chất lượng… thủy sản nước ngọt, mặn, lợ. Sinh viên được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thủy sản, các hình thức nuôi trồng thủy sản mới, tiên tiến trong nước và trên thế giới. Trong quá trình học tập, sinh viên được kết nối, đi thực hành thực tập, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học tại cá trang trại, doanh nghiệp, được tham gia vào các câu lạc bộ chuyên ngành thủy sản, các dự án khởi nghiệp thủy sản.... và có cơ hội được đi trao đổi, học tập tại nước ngoài như Israel, Thái Lan, Trung Quốc…

Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học Khoa Thủy sản, có thể làm việc cho các cơ quan nhà nước, các công ty sản xuất, kinh doanh hoặc cho lĩnh vực tư nhân. Các cơ quan nhà nước có tuyển kỹ sư thủy sản bao gồm: các viện nghiên cứu có lĩnh vực thủy sản các trường đại học, các trung tâm nông nghiệp, trung tâm khuyến nông khuyến ngư, các sở, ban ngành nông nghiệp các tỉnh (Ví dụ : Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, 2, 3, viện chăn nuôi, viện thú y, cục thú y, chi cục thủy sản, các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo, tư vấn, dịch vụ, chuyển giao công nghệ thủy sản… trên khắp các tỉnh thành trong cả nước). Sinh viên sau khi ra trường có thể trở thành cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh doanh, thị trường hoặc người quản lý trong các công ty sản xuất và kinh doanh thủy sản (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, vật tư thủy sản…). Hoặc có thể làm việc trong các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ làm về lĩnh vực thủy sản, có thể đi lao động tại nước ngoài như Nhật Bản (ngoài yêu cầu chuyên môn thủy sản cần có thêm ngoại ngữ, tin học…). Sinh viên sau khi ra trường cũng có thể làm tư vấn cho các hộ nuôi hay là tự mình đứng ra làm chủ trang trại hoặc có thể mở cửa hàng thuốc thú y, thức ăn cho thủy sản. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Thủy Sản Việt Nam thì một việc làm ổn định và thu nhập cao là điều thật dễ dàng để lưa chọn. Còn nếu muốn học lên thì cũng thật dễ dàng với những chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

 

Sinh viên được đi thăm quan, học tập cùng giảng viên tại Nhật Bản

 

Sinh viên Khoa Thủy sản được trải nghiệm hoạt động trao đổi sinh viên tại Thái Lan