Ngày 8/9/2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cải thiện khả năng phục hồi về mặt kinh tế và xã hội của lao động di cư ở miền Bắc Việt Nam trong đại dịch Covid-19”. Mục tiêu của Hội thảo là mang đến diễn đàn đối thoại giữa người lao động di cư với các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội, đoàn thể, các nhà khoa học nhằm hướng đến các giải pháp chính sách mới đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động di cư và những người dễ bị tổn thương khác trước những diễn biến mới của đại dịch Covid trong tương lai. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của đề tài “Cải thiện khả năng phục hồi về mặt kinh tế và xã hội của lao động di cư ở miền Bắc Việt Nam” thuộc giai đoạn 2 của dự án Covid Collective (từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023) do Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) tài trợ thông qua Viện Nghiên cứu Phát triển Vương Quốc Anh (IDS). PGS.TS Nguyễn Thị Diễn chủ trì đề tài với sự tham gia của các giảng viên – nhà khoa học thuộc Nhóm nghiên cứu mạnh “Cấu trúc xã hội nông thôn” – Khoa Khoa học xã hội. Đề tài nối tiếp và phát triển những thành tựu nghiên cứu của Nhóm đã được nghiệm thu và được các đối tác quốc tế đánh giá cao trong giai đoạn 1 của Dự án.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện khái quát bối cảnh thế giới sau hơn 2 năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những thành tựu đạt được: từ nỗ lực bao phủ vắc xin toàn dân cho đến những quyết sách kinh tế - xã hội phù hợp với từng thời kỳ nhằm đảm bảo đạt được “mục tiêu kép “ trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Bảo Dương cho rằng với sự gia tăng của các ca lây nhiễm trong thời gian gần đây và những thách thức phát sinh trong thời kì mới, kinh nghiệm rút ra trong quá khứ và các giải pháp dài hạn nhằm ứng phó những diễn biến mới của đại dịch … vẫn cần được nghiên cứu, đánh giá để xác định hướng đi đúng đắn về mặt chính sách trong tương lai. TS. Peter Taylor – đại diện IDS phát biểu đồng khai mạc Hội thảo, giới thiệu mục tiêu, quan điểm và cách tiếp cận của dự án Covid Collective nhằm đưa đến những khuyến nghị dựa trên bằng chứng nghiên cứu cho các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia, góp phần đẩy lùi Covid và tìm ra hướng đi bền vững, tăng cường khả năng phục hồi đối với các đại dịch khác có thể xảy ra trong tương lai. Sau bài phát biểu của TS. Taylor, TS. Ayako Ebata – nghiên cứu viên IDS trình bày mục tiêu, nội dung, cách thức tiến hành hội thảo và bày tỏ mong muốn sự tham gia nhiệt tình, sôi nổi từ các đại biểu tham dự.
Hội thảo đã nghe những chia sẻ về trải nghiệm cuộc sống trong thời kỳ đại dịch của người lao động di cư đại diện cho lao động tự do và lao động khu công nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh. Trong thời kỳ đại dịch căng thẳng, đặc biệt là giai đoạn giãn cách, cả hai nhóm lao động đều đối mặt rủi ro giảm sút thu nhập, mất việc làm, bị đe dọa về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng. Ngoài nỗ lực bản thân để vượt qua khó khăn trong đại dịch, người lao động di cư đã nhận hỗ trợ từ Chính phủ và các nhà hảo tâm thông qua hoặc không thông qua Mặt trận tổ quốc, tuy nhiên những hỗ trợ đó được nhận định là chưa đầy đủ và khó tiếp cận. Sau chia sẻ của người lao động di cư, đại diện chính quyền địa phương đến từ UBND xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đại diện UBND Thị trấn Trâu Quỳ, UBMTTQ Huyện Gia Lâm, Liên đoàn lao động Huyện Gia Lâm, Viện Phát triển Cộng đồng Ánh sáng và Viện Xã hội học đã tham gia trình bày thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ của chính phủ; kinh nghiệm huy động nguồn hỗ trợ tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân; thực tiễn hỗ trợ cho người lao động của Liên đoàn lao động, các tổ chức phi chính phủ trong đại dịch Covid và các khuyến nghị về mặt chính sách. Nỗ lực giảm tính bị tổn thương của các nhóm yếu thế, đặc biệt là người lao động di cư có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, tuy nhiên, nhiều rào cản trong quá trình thực thi vẫn hiện hữu như thủ tục xác minh đối tượng được hưởng hỗ trợ quá phức tạp, hệ thống chính quyền và hệ thống y tế hầu như quá tải trước áp lực kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn đông dân cư, chính sách khoanh vùng, dập dịch gây khó khăn cho người dân nói chung và lao động di cư nói riêng...
Phiên thảo luận của Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự điều hành của PGS.TS. Nguyễn Thị Diễn và TS. Ayako Ebata. Các nhóm thảo luận đều chia sẻ chung quan điểm là các quyết sách của Chính phủ tuy bất cập trong thời kỳ đầu do chưa có tiền lệ, nhưng thời kỳ sau đã được điều chỉnh hợp lý hơn, như chính sách cách ly, khoanh vùng, khai báo y tế, test Covid..., giảm bớt tính tổn thương đối với các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, để có hướng đi dài hạn hơn vẫn cần giải quyết các vấn đề như: cải cách thủ tục hành chính để người lao động di cư dễ tiếp cận hơn với các chính sách hỗ trợ; cải cách hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để đảm bảo khả năng có thể chi trả được của người lao động di cư; hỗ trợ đào tạo nghề mới, nâng cao nguồn lực sinh kế cho người lao động để họ có thể chuyển đổi, ứng phó linh hoạt khi có các tình huống dịch bệnh phát sinh bất ngờ; xây dựng hệ thống hạ tầng tốt tại khu dân cư như nhà trọ, cơ sở y tế, chợ dân sinh... để luôn đảm bảo cung cấp dịch vụ đầy đủ, kịp thời khi có các tình huống khẩn cấp...
Hội thảo kết thúc với phát biểu kết luận của TS. Ayako Ebata và PGS.TS. Nguyễn Thị Diễn. Các phát biểu đều đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình và chia sẻ thẳng thắn của các nhóm đại biểu, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn tới lãnh đạo và nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thành công rực rỡ.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh - Khoa KHXH