Hiện nay, con người đang tìm đến các chế phẩm sinh học (probiotics) nhằm thay thế kháng sinh trong chăn nuôi. Probiotics được biết đến là lợi khuẩn có khả năng cải thiện hệ thống miễn dịch, ức chế và kháng lại các vi khuẩn gây bệnh khi được bổ sung với lượng vừa đủ (Ismat Jahan Anee & cs. 2021). Chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ Bacillus đang được sử dụng rộng rãi và là một trong những giải pháp thay thế kháng sinh đầy hứa hẹn trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh (Mingmongkolchai & Panbangred, 2018). Trong đó, Bacillus amyloliquefaciens (B. amyloliquefaciens) là một loại probiotic tiềm năng, cải thiện hiệu suất tăng trưởng và chức năng miễn dịch của vật nuôi (Aikun Fu & cs. 2019). B. amyloliquefaciens là vi khuẩn có Gram dương, hình que, có khả năng hình thành nội bào tử giúp vi khuẩn tồn tại lâu dài trong môi trường khắc nghiệt (Ngalimat & cs., 2021). Nhờ khả năng sản xuất một số enzyme ngoại bào, bao gồm α-amylase, cellulase và protease giúp tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng (Gracia & cs., 2003; Lee & cs., 2008). Theo nghiên cứu của Ahmed & cs. (2014), việc bổ sung men vi sinh B. amyloliquefaciens vào khẩu phần ăn giúp cải thiện hiệu suất tăng trưởng ở gà. Nhờ khả năng sản xuất hoạt chất kháng khuẩn, B. amyloliquefaciens ức chế sự phát triển của nhiều loại mầm bệnh bao gồm cả vi khuẩn và nấm (Afrin & Bhuiyan, 2019; Chang & cs., 2015; Siahmoshteh & cs., 2017). Ở Việt Nam, nghiên cứu của Lê Lưu Phương Hạnh & cs. (2021) cho thấy B. amyloliquefaciens có khả năng đối kháng với các chủng vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra.

Mặc dù, trước đây đã có nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích của việc bổ sung B. amyloliquefaciens trong chăn nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu báo cáo liên quan đến khả năng kiểm soát S. Gallinarum của B. amyloliquefaciens. Vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành nhằm mục đích đánh giá tiềm năng probitics của các chủng B. amyloliquefaciens trong phòng bệnh thương hàn trên gà do S. Gallinarum gây ra.

Vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens được biết đến với nhiều đặc tính phù hợp để tạo ra chế phẩm probiotics bao gồm khả năng đề kháng với nhiệt độ cao, pH thấp, muối mật và cạnh tranh với vi khuẩn gây bệnh. Trong nghiên cứu này 4 chủng vi khuẩn B. amyloliquefaciens đã được phân lập và định danh từ 100 mẫu phân gà khoẻ mạnh bằng kỹ thuật PCR và công nghệ khối phổ MALDI-TOF. Các chủng phân lập đều không gây dung huyết trên thạch máu và có tính ổn định cao trong môi trường bất lợi (pH = 3,0 và muối mật 0,3%) với tỷ lệ sống sót >80%. Kết quả kiểm tra tính mẫn cảm với kháng sinh cho thấy cả 4/4 chủng B. amyloliquefaciens phân lập đều có khả năng kháng với kháng sinh tetracycline và 3/4 chủng kháng erythromycin. Các chủng phân lập cũng thể hiện tính đối kháng cao với vi khuẩn S. Gallinarum trong điều kiện phòng thí nghiệm, tạo ra vòng vô khuẩn với đường kính >16 mm. Kết quả đánh giá trên gà con cho thấy bổ sung hỗn hợp 4 chủng B. amyloliquefaciens vào thức ăn giúp phòng bệnh thương hàn do vi khuẩn S. Gallinarum gây ra.

leftcenterrightdel
Hình ảnh Khuẩn lạc B. amyloliquefaciens, B. amyloliquefaciens và kết quả điện di trên thạch

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hằng và cộng sự

Đơn vị: Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam