PGS.TS.Nguyễn Thanh Lâm, Bộ môn Quản lý Môi trường

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

1. Mở đầu

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức có tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống con người ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu (World Bank, 2007). Ngành sản xuất nông nghiệp vô cùng quan trọng không chỉ đảm bảo nguồn lương thực mà còn đóng góp lợi nhuận cho nền kinh tế quốc dân. Việt Nam là nước có nông nghiệp lâu đời, truyền thống (nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP), phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và thủy sản. Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam cần chủ động đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững. Bởi vậy, bài tổng quan rà soát những lý luận cơ bản trong phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu

2.1 Định hướng nền nông nghiệp đa mục tiêu

Phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần hướng tới nền nông nghiệp đa mục tiêu vừa đảm bảo an ninh lương thực, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khoẻ của người dân và thích ứng với biến đổi khí hậu (Hình 1). Đây là định hướng được đề cập trong nghị quyết đại hội Đảng XIII về nông nghiệp, nông thôn và nông dân tháng 3 năm 2022.

leftcenterrightdel
Hình 1. Các chức năng của ngành nông nghiệp
 Hình 1. Các chức năng của ngành nông nghiệp

Chiến lược phát triển nông nghiệp đã được cụ thể trong chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022: (i) Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; (ii) phát triển nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; (iii) Tăng cường sử dụng vật liệu hữu cơ vi sinh, áp dụng kỹ thuật thông minh, kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm đầu vào.

2.2 Nông nghiệp phải biết tận dụng lợi thế của biến đổi khí hậu 

Sản xuất nông nghiệp có đặc điểm sử dụng không gian và thời gian nên tác động biến đổi của khí hậu là vấn đề đã và đang diễn ra. Field và cs (2007) đã phát hiện sự hiện diện của sâu bệnh do ảnh hưởng của BĐKH có thể vượt quá những lợi ích thu được. Tuy nhiên tận dụng các ưu điểm và lợi thế của biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH là điều nên làm để điều khiển sản xuất nông nghiệp theo hướng đi có lợi nhất cho môi trường và xã hội (Hình 2). Để các lợi ích được quan sát thấy, Lemmen và Warren (2004) đã đề xuất các biện pháp thực hành cần được lựa chọn để có thể thích ứng với các điều kiện khí hậu hiện tại và đang thay đổi.

leftcenterrightdel
Hình 2. Tác động tích cực và tiêu cực của biến đổi khí hậu đến cây trồng tại Canada.  (Nguồn: Natural Resources Canada, Climate Change Impacts and Adaptation: A Canadian Perspective.)

Hình 2. Tác động tích cực và tiêu cực của biến đổi khí hậu đến cây trồng tại Canada.

(Nguồn: Natural Resources Canada, Climate Change Impacts and Adaptation: A Canadian Perspective.)

 

2.3. Xây dựng nền nông nghiệp có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu

 Xây dựng nền nông nghiệp có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu là mục tiêu của phát triển nông nghiệp hiện nay. Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) hay nông nghiệp thuận thiên đang là hướng lựa chọn của người dân nhiều quốc gia trên Thế giới (FAO, 2013, Barbon và cs., 2021, Đặng Thị Hoa, Quyền Đình Hoà, 2015). Tại đồng bằng sông Cửu Long, chủ trương sống chung với lũ đã được thực hiện nhiều năm trong sản xuất nông nghiệp (Phạm Thị Huyền Trang, Trương Văn Tuấn, 2016). 

2.4 Phát triển nền nông nghiệp Carbon thấp

Nông nghiệp vừa là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu và là tác nhân gây ra phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Do vậy, FAO đã khuyến khích phát triển nền nông nghiệp Carbon thấp nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. IRRI đã khuyến khích phát triển các kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, AWD nhằm sử dụng tiết kiệm nước tưới và giảm phát thải khí CH4. FAO đã xây dựng các quy trình kỹ thuật và hướng dẫn nhanh tính toán lượng khí nhà kinh phát thải từ các hệ thống sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB, 2022), chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ có tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030 đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược lúa gạo.  

2.5 Nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác và công nghệ thông tin (IOT)

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chính xác để ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai tại Ixraen và nhiều quốc gia trên Thế giới. Trồng cây và chăn nuôi trong nhà lưới, nhà kính có khả năng giảm thiểu tác động của thời tiết khí hậu cực đoan. Áp dụng công nghệ thông tin có thể giảm thiếu tối đa công sức lao động và nâng cao hiệu suất sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp chính xác có khả năng mang lại lợi ích đáng kể cho người sử dụng trong các giai đoạn canh tác khác nhau. Nó giúp nông dân tối ưu hóa việc bón phân đầu vào bằng cách cung cấp lượng phân bón chính xác cần thiết cho các khu vực khác nhau của đồng ruộng. Những thông tin này có thể được lấy từ việc phân tích dữ liệu trên cánh đồng và thông tin không gian địa lý được thu thập. Điều này giúp họ tiết kiệm chi phí và tránh suy thoái đất không cần thiết do lạm dụng phân bón và các hóa chất khác. Nông nghiệp chính xác   cũng hỗ trợ nông dân tiến hành lựa chọn hạt giống phù hợp, lựa chọn đầu vào và chất dinh dưỡng phù hợp, cũng như thời điểm thu hoạch phù hợp. Hệ thống quản lý trang trại giúp nông dân đưa ra quyết định đúng đắn để nâng cao hiệu quả công việc, năng suất và sản lượng. Máy móc dẫn hướng tự động (ví dụ: máy kéo dẫn đường bằng GPS) giảm thiểu khối lượng công việc chuyên sâu, cải thiện giảm thiểu rủi ro vận hành và giúp bảo vệ chất lượng đất. Hơn nữa, nông dân có thể giảm chi phí bảo trì ngoài kế hoạch với khả năng bảo dưỡng phòng ngừa tự động (Nguồn: Lê Thu Trang, 2021). Tuy nhiên nông nghiệp chính xác cũng có mặt trái cần được khắc phục và hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp.

2.6 Phát triển nông nghiệp phải đặt trong bối cảnh hệ thống sản xuất lương thực và toàn cầu hoá

Phát triển nông nghiệp bền vững cần được đặt trong bối cảnh của hệ thống sản xuất lương thực (Food system), trong đó các yếu tố biến đổi khí hậu chỉ là tác nhân trong vô vàn các yếu tố khác nhau trong hệ thống (Hình 3). Do vậy sản xuất nông nghiệp ngoài yếu tố kỹ thuật cần phải tính đến các yếu tố kinh tế, xã hội, toàn cầu hoá như khả năng liên kết theo chuỗi giá trị, đầu ra của thị trường, phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng của người sản xuất.  

leftcenterrightdel
Hình 3. Các thành phần cơ bản của hệ thống sản xuất lương thực  (Nguồn: https://localfood.ces.ncsu.edu/food-system-supply-chain/)

Hình 3. Các thành phần cơ bản của hệ thống sản xuất lương thực

(Nguồn: https://localfood.ces.ncsu.edu/food-system-supply-chain/)  

 

2.7 Phát triển nông nghiệp theo định hướng của kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp bền vững cần tiếp cận theo định hướng của kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nông nghiệp và giảm phát thải. Nền kinh tế tuần hoàn đã được công nhận tại Việt Nam từ năm 1998 và được chính thức thông qua bởi luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2020. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó có sự tham gia của các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm mức khai thác nguyên nhiên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh. giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (Luật Bảo vệ môi trường 2020).

Chủ trương của Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp phải tích hợp kinh tế tuần hoàn ngay từ khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển và quản lý. quản lý và tái chế chất thải. Khái niệm và thực tiễn về mô hình kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu được đề cập và quan tâm, mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là quy trình sản xuất khép kín và hầu hết chất thải, phế thải. Phụ phẩm được đưa trở lại làm nguyên liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất khác thông qua ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với những ứng dụng rất linh hoạt trong quá trình tổ chức, sản xuất kinh doanh.

Quy chế quản lý kinh tế tuần hoàn đã được đề cập trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều trong luật bảo vệ môi trường và là cơ sở pháp lý trong áp dụng nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam. Một số điều cụ thể đã được đề cập trong nghị định như sau:

Điều 138: Quy định chung về kinh tế tuần hoàn

Điều 139: Lộ trình, trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn

Điều 140: Cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn

Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định 687/QĐ-TTg ngày 22/6/2022 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” với các nội dung chủ yếu sau:

Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho sự hình thành và phát triển khu vực nông thôn. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng chất thải nông nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động, nghiên cứu triển khai công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ.

Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu suy thoái môi trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam có 156 triệu tấn phụ phẩm vào năm 2021 và có thể mang lại 4-5 tỷ USD nếu phụ phẩm được sử dụng hiệu quả (tái sử dụng, tái chế) (Hạnh Nguyên, 2021).

2.8 Sử dụng tri thức bản địa, đa dạng hoá cây trồng vật nuôi nhằm giảm thiểu các tác động từ biến đổi khí hậu

Sự đa dạng về hệ thống cây trồng, vật nuôi trong hệ thống góp phần cải thiện và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm tính dễ bị tổn thương tại cộng đồng. Các giống cây trồng/vật nuôi bản địa thường có khả năng chống chịu tốt, ít bị dịch bệnh hơn so với các giống mới và không yêu cầu đầu tư thâm canh cao phù hợp với nhiều người kể cả người nghèo (Vũ Văn Liết và cs., 2011). Kiến thức bản địa là nền tảng cơ bản cho sự tự cung tự cấp và tự quyết của người dân giúp cho người dân ít bị phụ thuộc vào bên ngoài giảm tình trạng dễ bị tổn thương tại cộng đồng do BĐKH gây ra. Người dân đã quen với các kỹ thuật bản địa nên họ có thể hiểu, vận dụng và duy trì các kỹ thuật đó tốt hơn so với các kỹ thuật mới đưa vào từ bên ngoài nên kinh nghiệm và tiếng nói của cộng đồng được phát huy và sử dụng có hiệu quả. Kiến thức bản địa cung cấp thêm các giải pháp, lựa chọn trong quá trình thích ứng với BĐKH. Nhờ đó, mà người dân địa phương có thêm các lựa chọn khi đưa ra các giải pháp, mô hình phù hợp với cộng đồng nhằm thích ứng với BĐKH thay vì phụ thuộc vào các yếu tố từ bên ngoài (giống, kỹ thuật mới) (Ajani et al., 2013).

3. Kết luận

Trong bối cảnh biến đổi khi hậu, phát triển nông nghiệp bền vững cần phải tính đến xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, đa mục tiêu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, ứng dụng các nguyên lý của nền nông nghiệp tuần hoà, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, sử dụng các lợi thế của cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại, tận dụng tri thức bản địa và cần tính đến sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh đa dạng văn hoá và xã hội. Đây là vấn đề quan trọng phải tính tới khi suy nghĩ về phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ajani, E.N., Mgbenka, R. N., and Okeke, M. N, (2013). Use of Indigenous Knowledge as a Strategy for Climate Change Adaptation among Farmers insub-Saharan Africa: Implications for Policy, Asian Journal of Agricultural Extension, Economics & Sociology, 2(1): 23-40

Barbon WJ, Punzalan B, Wassman R, Bui VL, Vidallo R, Villanueva J, Talsma T, Bayot R, Gonsalves J. (2021). Scaling of Climate-Smart Agriculture via Climate-Smart Villages in Southeast Asia: Insights and Lessons from Vietnam, Laos, Philippines, Cambodia and Myanmar. CCAFS Working Paper no. 376. Wageningen, the Netherlands: CGIAR Research Program on Climate Change, Agriculture and Food Security (CCAFS).

Đặng Thị Hoa, Quyền Đình Hà (2015). Cơ sở lý luận và thực tiễn về sự thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp của người dân ven biển. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm Nghiệp 1, 116-124.

FAO. (1992). World food dry. Food and Agriculture Organization, Rome, Italy.

Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO) (2013). Climate-smart agriculture sourcebook. Rome: FAO. Available at http://www.fao.org/ docrep/018/i3325e/i3325e00.htm

Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO). (2010). Climate-smart agriculture: Policies, practices and financing for food security, adaptation and mitigation. Rome: FAO. Available at http://www.fao. org/fileadmin/user_upload/newsroom/docs/the-hagueconference-fao-paper.pdf

FAO, IRD, WB (2010). Hướng dẫn nhanh về EX-ACT. https://www.fao.org/fileadmin/templates/ex_act/pdf/Technical_guidelines/EXACT_Quick_Guidance_Final_VIE.pdf.

Field, C.B., Mortsch, L.D., Brklacich, M., D.I. Kovacs, P., Patz, J.A., Running, S.W. and SCott, M.J. (2007) North America; in Climate Change 2007: Impacts, Adapatation and Vulnerability. (Contribution of Working Group II to th Fourth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change), (ed) M.L. Parry, O.F. canziani, J.P. Plautikof, P.J. van der Linden and C.E. Hanson;; Cambridge University Press, Cambridge, United Kingdom, p. 617-652.

Hạnh Nguyên (2021). Phụ phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể mang lại giá trị 4-5 tỷ USD/năm. Phụ phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể mang lại giá trị 4-5 tỷ USD/năm (baodautu.vn). Truy cập ngày 20/12/2022.  

IPCC (1997). Technologies, Policies, and Measures for Mitigating Climate Change: IPCC Technical Paper I. Intergovernmental Panel on Climate Change, Working Group II [ Watson, R.T., M.C. Zinyowera, and R.H. Moss (eds.)]. World Meteorological Organization, Geneva, Switzerland, 84 pp.

Julian Gonsalves, Leocadio Sebastian, Bernadette Joven, Celso Amutan, Ariel Lucerna (2015). Climate - Smart Villages: Key Concepts. A primer for CCAFS partners in Southeast Asia. International Institute of Rural Reconstruction (IIRR).

Lương Tất Thắng (2018), Nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp vùng miền núi Thanh Hóa, Luận án tiến sĩ

Lemmen, D. S. and Warren, F. J. eds., (2004). Climate Change Impacts and Adaptation: A Canadian Perspective (Ottawa: Climate Change Impacts and Adaptation Directorate, 2004).

Lê Thị Thuỳ Trang, 2022. Chuyển đổi canh tác thông thường sang canh tác thông minh bằng cách sử dụng Nông nghiệp chính xác. https://aita.gov.vn/chuyen-doi-canh-tac-thong-thuong-sang-canh-tac-thong-minh-bang-cach-su-dung-nong-nghiep-chinh-xac-. ). Ngày truy cập: 20/12/2022.

Luật Bảo vệ môi trường, 2020. Luật số 72/2020/QH14.

Ministry of Natural Resources and Environment (MONRE). 2016. Climate change and sea-level rise scenarios for Viet Nam. Summary for policymakers. Available at http://www.imh.ac.vn/files/doc/KichbanBDKH/ CCS_SPM_2016.pdf

Magadza, C.H.D. (1996). Climate change: some likely multiple impacts in southern Africa. In: Climate Change and World Food Security [Downing, T.E. (ed.)]. Springer-Verlag, Berlin, Germany, pp. 449–484

Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10.1.2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Nguyễn Anh Trụ. Phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và giải pháp. http://htcsnn.vnua.edu.vn/doc/08.pdf

Nguyễn Năng Nam (2011). Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững ở nước ta hiện nay. Tạp chí khoa học trường Đại học Mở TP.HCM - SỐ 6 (2) 2011.

Phạm Doãn (2005). Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giải pháp xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường. http://www.ttvnol.com/ttx/571456.ttvn.

Phạm Thị Diệu Linh (2021). Phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hoá trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Chiến lược Phát triển. Hà nội - 2021

Phạm Thị Huyền Trang, Trương Văn Tuấn (2016). Lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long: nguyên nhân và giải pháp. Tạp chí khoa học đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh. Số 3 (81): 158-169. 

Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 về chiến lược phát triển nông nghiệp.

Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 22/6/2022 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.  

Shikha Uniyal Gairola (2021). Impacts of climate change on biological diversity and agriculture. eJournal of Applied Forest Ecology (eJAFE), Vol 9, No.1: 45 – 49.

Vũ Văn Liết, Vũ Thị Bích Hạnh, Phan Đức Thịnh, Nguyễn Văn Hà, Nhâm Xuân Tùng, Nguyễn Thị Hảo, Phạm Mỹ Linh, Đàm Văn Hưng, Vũ Quốc Đại, Nguyễn Bằng Tuyên, Phạm Quang Tuân, (2011). Nghiên cứu về kiến thức bản địa trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên thuộc lĩnh vực nông nghiệp của một số cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía bắc.

World Bank (2007). The Impact of Sea Level Rise on Developing Countries: A Comparative Analysis, World Bank Policy Research Working Paper.

World Bank (2022). Chuyển đổi sang trồng lúa Carbon thấp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải trong khi vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh. Thông cáo báo chí số 2023/019/EAP. https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2022/09/24/transition-to-low-carbon-rice-will-help-vietnam-meet-its-emission-target-while-maintaining-competitiveness-edge Truy cập 20/12/2022.