Việt Nam là quốc gia với 54 dân tộc cùng sinh sống trong đó có tới 53 dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14,6% dân số cả nước. Các DTTS phân bố rải rác trên lãnh thổ Việt Nam và thường tập trung ở các vùng núi và vùng sâu vùng xa, việc này đã tạo ra những rào cản trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công và nguồn lực đất đai. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đất của người DTTS ngày càng cao để phục vụ việc mở rộng canh tác, sản xuất nông nghiệp, quỹ đất sản xuất cho nhóm người này còn thiếu. Trong khi đó, sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp là sinh kế chính với nhiều DTTS tại Việt Nam. Cùng với vấn đề đói nghèo, nguy cơ bất ổn xã hội luôn tiềm ẩn ở khu vực có nhiều người DTTS – nhóm đối tượng được coi là “yếu thế” và “dễ bị tổn thương” bởi tác động của sự thay đổi về tự nhiên-kinh tế-xã hội – sinh sống mà nguyên nhân chủ yếu là do những xung đột liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai ví dụ việc xây dựng các dự án tái định cư, hồ thủy điện, và khai thác lâm sản, khoáng sản tại các khu vực nơi mà người DTTS sinh sống.

        Việc quản lý, sử dụng đất của người DTTS hiện nay còn tồn tại nhiều biện pháp canh tác không bền vững ví dụ độc canh trên đất dốc, sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật…vv hoặc tập quán quản lý và sử dụng đất có khi mâu thuẫn với quy định quản lý nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, các đặc điểm cư trú, canh tác lạc hậu dẫn đến tình trạng xói mòn đất, từ đó dẫn đến việc sản xuất không hiệu quả. Ngoài ra, đối tượng DTTS cũng được xếp vào nhóm “dễ bị tổn thương” do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ví dụ bão, lũ, hạn hán, sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực đất đai từ đó ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của nhóm đối tượng này. Do vậy, để giúp người DTTS ổn định đời sống và phát triển sinh kế bền vững thì các chương trình/chính sách liên quan đến đất đai, và đặc điểm nguồn lực đất đai đặc biệt là đất dốc cần được nghiên cứu cụ thể.

Nhằm hỗ trợ sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này. Năm 2020, TTCP ban hành Quyết định 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp đó, là Quyết định 861/QĐ-TTg của TTCP về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Các xã thuộc khu vực III – hay các xã đặc biệt khó khăn được xác định là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; khả năng biết đọc-viết, tỷ lệ lao động được đào tạo thấp và chất lượng đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất của người dân. Các yếu tố kể trên, kết hợp với địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, do vậy việc sản xuất nông lâm nghiệp các xã thuộc khu vực III gặp rất nhiều khó khăn. Nghiên cứu này được thực hiện trên địa bàn xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - khu vực xã được phân loại là xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg. Nghiên cứu được thực hiện với mục đích đánh giá nguồn lực đất đai, tập quán canh tác nông lâm nghiệp trên đất dốc của người DTTS. Kết quả nghiên cứu được sử dụng làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đất cho người DTTS tại khu vực miền núi.

Các kết quả chính của nghiên cứu như sau:

Đối tượng sản xuất nông lâm nghiệp tại khu vực này gặp nhiều khó khăn do khu vực nương rẫy xa khu dân cư và khó tiếp cận; nguồn nước tưới hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời và đặc biệt tỷ lệ diện tích đất dốc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn xã Châu Quế Hạ đã xác định được hướng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất dốc thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây hằng năm sang trồng quế.

Với kinh nghiệm trồng quế của người dân tộc Dao và Tày đã được tích lũy qua một thời gian dài canh tác, các khâu từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch được người dân thực hiện nhuần nhuyễn. Kinh tế hộ đã được cải thiện nhờ việc người dân biết cách khai thác được nhiều các bộ phận của cây quế như lá, vỏ, thân cây. Mặc dù vậy, việc sản xuất nông nghiệp trên đất dốc, đặc biệt là việc trồng quế vẫn gặp một số khó khăn nhất định như: tình hình nắng nóng, thiếu nước tưới dẫn đến giảm năng suất cây trồng thậm chí chết cây quế; đất đai bị thoái hóa; khoảng cách nương rẫy cách xa khu dân cư, người dân đặc biệt là người DTTS thiếu vốn để sản xuất.

Do vậy, để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc, nghiên cứu có một số đề xuất sau: Một là, vấn đề nắng nóng gây ra rất nhiều khó khăn cho việc sản xuất các loại cây trồng trên đất dốc đặc biệt là quế. Để giải quyết vấn đề này, về dài hạn cần tìm ra giống quế có thể thích ứng với thời tiết nắng nóng. Hai là, để người dân tiếp cận được các thông tin thời tiết, chính quyền địa phương cần rà soát lại toàn bộ hệ thống loa phát thanh thôn bản. Hệ thống loa cần đảm bảo được độ bao phủ để toàn bộ người dân trong xã có thể tiếp cận được với thông tin thời tiết. Ngoài ra, trên địa bàn xã có nhiều đối tượng là người DTTS không biết tiếng Kinh. Vì vậy, chính quyền thôn sau khi tiếp cận được với các thông tin về thời tiết, mùa vụ cần truyền đạt lại các thông tin đó bằng ngôn ngữ phù hợp cho các hộ DTTS trong thôn. Ba là, để giải quyết vấn đề về thiếu vốn trong sản xuất nông lâm nghiệp cần tăng cường khả năng tiếp cận của các tổ chức, chương trình tín dụng đối với các đối tượng vay vốn, đặc biệt là đối tượng người DTTS ở khu vực khó khăn. Để thực hiện điều này cần có sự quan tâm và phối hợp giữa các tổ chức tín dụng, các cấp chính quyền và hộ vay vốn để tạo ra một mạng lưới tín dụng nông thôn rộng khắp trên toàn xã. Ngoài ra, đối với các tổ chức tín dụng cần hạ lãi suất tới mức thấp nhất có thể để người dân đặc biệt là người DTTS có đủ khả năng vay vốn. Bốn là, để phát triển cây quế một cách bền vững, ổn định và nâng cao giá trị các sản phẩm quế, việc sản xuất quế nên phát triển theo hướng sản xuất quế hữu cơ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường phát triển như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

STT

Chỉ tiêu so sánh

Trung bình

(TB±độ lệch chuẩn)

DTTS

(TB±độ lệch chuẩn)

Kinh

(TB±độ lệch chuẩn)

Mức ý nghĩa

1

Diện tích (ha)

1,89± 1,48

2,01± 1,53

1,73± 1,40

NS

2

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có/không)

Có: 0%

Không: 100%

Có: 0%

Không: 100%

Có: 0%

Không: 100%

NS

3

Số thửa (số thửa)

1,81± 0,94

1,78± 0,89

1,86± 1,02

NS

4

Khoảng cách đến nhà (km)

2,43± 2,29

2,70± 1,90

2,07± 2,72

NS

5

Nước tưới

100% nước mưa

Nước mưa: 100%

Nước mưa: 100%

NS

6

Thành phần cấp hạt (% hộ)

-

Cát: 23,48%

Thịt: 74,78%

Sét: 1,74%

Cát: 23,75%

Thịt: 71,25%

Sét: 5%

NS

7

Độ dày tầng canh tác (cm)

22,48± 11,25

20,88± 9,06

24,74± 13,54

NS

8

Màu sắc tầng đất mặt (% hộ)

-

Đen: 57,63%

Đỏ: 18,64%

Vàng: 20,34%

Xám: 3,39%

Đen: 65,93%

Đỏ: 24,18%

Vàng: 4,4%

Xám: 5,49%

 

NS

Mức ý nghĩa: * p=<0.05; ** p<0.01 NS: Không có ý nghĩa

                         Đặc điểm nguồn lực đất dốc

leftcenterrightdel
Khó khăn trong sản xuất nông lâm nghiệp trên đất dốc của người dân xã Châu Quế Hạ (đơn vị: %)
Khó khăn trong sản xuất nông lâm nghiệp trên đất dốc của người dân xã Châu Quế Hạ (đơn vị: % )

 

leftcenterrightdel
Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài 

 

                                                                                                        ThS. Vũ Thanh Biển