NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN

VỀ QUYỀN SỞ HỮU, QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

(Nghiên cứu trường hợp tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên,

thành phố Hà Nội)

 

Vũ Văn Tuấn, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Lê Thị Dung

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Email: vvtuan@vnua.edu.vn

 

Tóm tắt: Pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp. Nội dung này đã đi vào thực tiễn đời sống, đi vào nhận thức của người dân. Cần tìm hiểu và thống nhất nhận thức trong nhân dân về quyền sở hữu, quyền sử dung đất nông nghiệp. Bài viết này đề cập tới quy định của pháp luật và nhận thức của người dân Người dân xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Từ khoá: Quyền sở hữu, Quyền sử dụng, Đất nông nghiệp, Nhận thức của người dân.

Abstract: Vietnamese law has specific regulations on ownership and use agricultural land rights. This content has entered real life and entered people's awareness. It is necessary to learn and unify people's awareness of ownership and use agricultural land rights. This article refers to the provisions of law and people's awareness of people in Quang Trung commune, Phu Xuyen district, Hanoi city about ownership and use agricultural land rights.

Keywords: Land ownership, Land use rights, agricultural land, People's awareness

 Đặt vấn đề

Đất đai là của báu của một quốc gia, không có gì quý bằng đất đai [1]. Trong đó ruộng đất là mẹ sinh ra mọi thứ vật chất của xã hội và là tư liệu sản xuất cơ bản và phổ biến, quý báu nhất của nền sản xuất nông nghiệp [2, tr. 117]. Do vậy, mọi quốc gia trên thế giới đều coi đất đai, ruộng đất là tài sản đặc biệt. Tại Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, [3] được thực hiện các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với đất đai, đồng thời thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu thông qua các quyền năng nhất định. Nhà nước trao cho tổ chức, cá nhân nói chung, người nông dân nói riêng quyền sử dụng đất đai, công nhận quyền sử dụng đất và ghi nhận quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ đất, đồng thời trao cho họ nhiều quyền năng cụ thể. Quy định của pháp luật hiện hành ngày càng làm rõ thêm nội dung về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai, đất nông nghiệp. Nội dung này cũng đã đi vào thực tiễn đời sống xã hội, đi vào tiềm thức của người dân, người sử dụng đất. Bài viết này nêu quy định của pháp luật hiện hành và trình bày thực tiễn nhận thức của người dân xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp.

2. Nội dung

2.1. Quy định của pháp luật về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp

a. Quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu đất nông nghiệp

Pháp luật Việt Nam nhất quán quy định về sở hữu đối với đất đai, trong đó có đất nông nghiệp. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” [3, Điều 53]. Nội dung đó được thể chế hoá tại Điều 197 Bộ luật Dân sự năm 2015. Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” [5, Điều 4]. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân” [4, Điều 198].

Với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, Nhà nước có 3 quyền năng cơ bản gồm: (1) Quyền chiếm hữu - Thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình [4, Điều 186]; (2) Quyền sử dụng - Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản [4, Điều 189] và quyền định đoạt - chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản [4, Điều 192]. Về nội dung này Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân được thực hiện trong phạm vi và theo trình tự do pháp luật quy định” [4, Điều 199]. Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai tại Điều 13 và các điều luật liên quan. Theo đó, Nhà nước có các quyền: Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất, quyết định giá đất, quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất, quyết định chính sách tài chính về đất đai và quy định quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Điều 21 Luật Đất đai năm 2013 còn quy định rõ một số cơ quan thực hiện quyền dại diện chủ sở hữu với những quyền năng cụ thể đó là: (1) Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước; (2) Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất…; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương; và (3) Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền.

Khi Nhà nước Việt Nam thực hiện đại diện quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai thì đồng thời thực hiện quản lý nhà nước đối với đất đai. Quyền đại diện chủ sở hữu và quyền quản lý của nhà nước thực chất là hai quyền độc lập. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam khi quy định về tư cách đại diện chủ sở hữu luôn gắn với quyền quản lý của Nhà nước đối với đất đai như là một thành phần không thể tách rời.

b. Quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quyền sử dụng đất nông nghiệp

Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ… [3, Điều 54]. Luật Đất đai năm 2013 ghi nhận: “Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định” [5, Điều 4]. Người sử dụng đất có các quyền chung là: Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai [5, Điều 166]. Bên cạnh đó, người sử dụng đất có các nghĩa vụ chung: Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan; Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất; Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan; Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất; Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng [5, Điều 170]. Ngoài ra, người sử dụng đất có nhiều quyền năng cụ thể đối với quyền sử dụng đất như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất [5, Điều 167].

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất trong hạn mức; được giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được công nhận quyền sử dụng đất; có quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác; được chuyển ngược, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; Cá nhân, thành viên hộ gia đình được để thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật; được thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng; được góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác, sản xuất, kinh doanh.

            Như vậy trong số những quyền và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất đã có những quyền và nghĩa vụ riêng của người sử dụng đối với đất nông nghiệp như quyền hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp, được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp. Trong số các nghĩa vụ, thì nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo vệ đất cũng có ý nghĩa riêng đối với người sử dụng đất nông nghiệp. Bởi nó bao hàm việc bảo vệ chất lượng loại đất này, gồm việc cải tạo, bồi bổ, chống thoái hoá đất… Ngoài ra, trong số các quyền năng cụ thể, pháp luật đã quy định chi tiết quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Pháp luật Việt Nam hiện hành đã ghi nhận quyền sử dụng đất nói chung, quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng rộng hơn khái niệm thực của quyền sử dụng về mặt pháp lý, nó hầu như bao hàm hết các quyền của chủ sở hữu đất đai [6, tr42]. Như vậy, trong khoa học pháp lý, quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất có quan hệ đan xem, đặc biệt khi quyền sử dụng đất được coi là quyền tài sản dưới dạng một bất động sản [7]. Đây chính là lý do để một số nhà khoa học cho rằng, tại Việt Nam có sở hữu đa tầng đối với đất đai. Theo đó, Nhà nước là đại diện cho toàn dân, làm chủ sở hữu đối với đất đai, còn người sử dụng đất là chủ sở hữu đối với quyền sử dụng đất.

2.2. Nhận thức của người dân về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp

a. Giới thiệu về điểm nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

Phú Xuyên là huyện ngoại thành, nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, là huyện điển hình trong sản xuất nông nghiệp với diện tích đất canh tác, trồng trọt là trên 11.000ha, chiếm 2/3 diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 60% lực lượng lao động tại địa phương. Xã Quang Trung là xã nằm phía đông của huyện, diện tích gần 5 km², trong đó có 261 héc ta đất nông nghiệp; dân số gần 6100 người, hơn 1620 hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp [8]. Nghiên cứu về nhận thức của dân về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp có tính chất điển hình cho người nông dân của huyện và của thành phố Hà Nội.

Nghiên cứu tiến hành điều tra bằng bảng hỏi đối với 90 hộ gia đình có đất nông nghiệp tại xã Quang Trung. Bảng hỏi không gồm các câu hỏi về kiến thức lý thuyết pháp lý về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp mà chứa đựng câu hỏi về mối quan hệ so sánh giữa các quyền này. Nội dung bảng hỏi về các quy định của pháp luật hiện hành về quyền năng của đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai như: quyền quyết định mục đích sử dụng đất, quyết định chuyển mục đích quyền sử dụng đất, quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. Đồng thời bảng hỏi chứa nội dung về các quyền năng cụ thể của người sử dụng đất như: quyền chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất... Ngoài ra, bảng hỏi cũng chứa đựng các câu hỏi về một số quyền năng quan trọng như quyền thu hồi đất đai, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...

b. Kết quả thảo luận

* Kết quả nghiên cứu

Nội dung

Lượt chọn

Tỉ lệ (%)

Nội dung quyền sở hữu đất NGANG BẰNG nội dung quyền sử dụng đất

25

27.8%

Nội dung quyền sở hữu đất RỘNG HƠN nội dung quyền sử dụng đất

57

63.3%

Nội dung quyền sở hữu đất HẸP HƠN nội dung quyền sử dụng đất

8

8.9%

Tổng

90

100%

Bảng 1. Nhận thức của người dân về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp

Kết quả điều tra thực địa tháng 7 năm 2023

 

Đa số người dân xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đã nhận thức chính xác về quyền quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp khi có tới 80.1% người được hỏi nhận thức đúng về tương quan so sánh của 2 quyền năng này. Theo đó, quyền sử dụng đất đai là một bộ phận của quyền sở hữu đất đai.

Đối với câu hỏi về giấy tờ pháp lý, có 72/90 người đươc hỏi trả lời đúng, dù “sổ đỏ”, “sổ hồng” hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã là thuật ngữ, thông tin phổ biến. Đối với câu hỏi về cùng nội dung, nhưng được hỏi trực diện về quyền sở hữu đối với đất nông nghiệp cũng nhận được kết quả tương tự.

 

Ông bà/hộ gia đình đang có quyền nào đối với đất nông nghiệp

Lượt chọn

Tỉ lệ (%)

Quyền sở hữu đất

11

12.2%

Quyền sử dụng đất

72

80.1%

Quyền quản lý đất

3

3.3%

Quyền quản lý đất

4

4.4%

Quyền khác

0

0.0%

Tổng

90

100%

Bảng 2. Nhận thức của người dân quyền của mình đối với đất nông nghiệp

Kết quả điều tra thực địa tháng 7 năm 2023

Người dân địa phương cho rằng đất đai thuộc 1 trong 3 hình thức sở hữu đó là: Sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân và sở hữu tư nhân (cá nhân, hộ gia đình). Tuy nhiên, số người nhận thức đúng rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân chiếm chưa tới 1/4 số người trả lời. Ngược lại, đa số người dân cho rằng, đất đai thuộc hình thức sở hữu nhà nước, chiếm 63.3%.

 

Chủ thể của quyền sở hữu đối với đất nông nghiệp là:

Lượt chọn

Tỉ lệ (%)

Nhà nước

57

63.3%

Toàn dân

22

24.5%

Cá nhân, hộ gia đình

11

12.2%

Tổng

90

100%

Bảng 3. Nhận thức của người dân về chủ sở hữu đối với đất nông nghiệp

Kết quả điều tra thực địa tháng 7 năm 2023

            Về các quyền cụ thể đối với đất nông nghiệp, người dân địa phương tập trung nội dung này vào 2 nhóm chủ thể đó là nhà nước và cá nhân, hộ gia đình. Có 77,5% số người trả lời đúng đối với các quyền quyết định thời hạn, hạn mức sử dụng đất, quyết định mục đích và chuyển mục đích sử dụng đất là thuộc về Nhà nước, trong đó tỷ lệ cao nhất thuộc về quyền quyết định thời hạn sử dụng đất, đạt 92.2%. Hơn 1/4 số người trả lời cho rằng các quyền quyết đinh hạn mức sử dụng đất, quyết định và chuyển mục đích sử dụng đất thuộc về chính cá nhân và gia đình họ. Trong khi chỉ có 7 ý kiến trả lời quyền quyết định thời hạn sử dụng đất thuộc về cá nhân, hộ gia đình. Duy nhất quyền năng quyết định hạn mức sử dụng có 4 người trở lời thuộc về toàn dân.

Biểu đồ 1. Nhận thức của người dân về quyền năng cụ thể đối với đất nông nghiệp

Kết quả điều tra thực địa tháng 7 năm 2023

 

Có 74,3% số người nhận thức đúng về quyền của cá nhân, hộ gia đình mình đối với các quyền chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế, cho thuê, góp vốn, thế chấp quyền sử dụng đất. Cao nhất thuộc quyền tặng cho, dùng đất để góp vốn kinh doanh với 86.7% lựa chọn. Vẫn còn 14.4% số người trả lời cho rằng các quyền này thuộc về Nhà nước, trong đó cao nhất thuộc quyền cho thuê, để thừa kế, thấp nhất là quyền tặng cho, dùng đất góp vốn để kinh doanh. Có 2 quyền cho thuê và thừa kế không có người trả lời thuộc về toàn dân, các quyền năng còn lại đều có 4 người (chiếm 4.4%) trả lời thuộc về toàn dân.

 

Khi sử dụng đất nông nghiệp thì hộ gia đình, cá nhân ông bà có quyền nào

Lượt chọn

Tỉ lệ (%)

Được Nhà nước hỗ trợ cải tạo, bồi bổ đất

41

45.6%

Được nhà nước miễn thuế và các loại tiền sử dụng đất

73

81.1%

Được quyền KHÔNG sử dụng đất (để đất hoang, bỏ đất không trồng trọt…)

19

21.1%

Được tách thửa, nhập thửa đất

79

87.8%

Được KHÔNG đồng ý cho Nhà nước thu hồi đất

8

8.9%

Được thoả thuận, thống nhất về việc Nhà nước thu hồi đất

75

83.3%

Được thoả thuận giá đất khi Nhà nước thu hồi đất

78

86.7%

Bảng 4. Nhận thức của người dân về quyền năng cụ thể liên quan đối với đất nông nghiệp

Kết quả điều tra thực địa tháng 7 năm 2023

 

Về các quyền liên quan, số người dân lựa chọn đúng ở mức cao, thấp nhất ở mức 81.1%. Đặc biệt, có 69% số người cho rằng không có quyền để đất bỏ hoang, không sử dụng. Tuy nhiên, có tới 54.4% không biết người sử dụng đất nông nghiệp có quyền được Nhà nước hỗ trợ cải tạo, bồi bổ đất. Chỉ có 8 người lựa chọn bản thân và hộ gia đình được không đồng ý để Nhà nước thu hồi đất. Trong khi đa số người sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương cho rằng cá nhân, hộ gia đình được thoả thuận, thống nhất về việc Nhà nước thu hồi đất cũng như được thoả thuận giá đất khi Nhà nước thu hồi đất.

* Kết quả thảo luận

            Kết quả điều tra cho thấy nhận thức của người dân xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp như sau:

Một là, đa số người dân nhận thức đúng rằng quyền sở hữu có nội hàm rộng hơn quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, cơ bản người dân nhận thức đúng về tên gọi giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp mà cá nhân/hộ gia đình họ đang có, đó là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hai là, đa số người dân nhận thức đúng về các quyền năng của Nhà nước với tư cách là đại diện quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai, đó là quyền quyền quyết định mục đích và chuyển mục đích quyền sử dụng đất, quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. Đồng thời đa số người dân nhận thức đúng về các quyền của bản thân, hộ gia đình đối với các quyền năng cụ. Tuy nhiên, một trong những quyền năng quan trọng là được Nhà nước hỗ trợ cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp thì đa số người dân địa phương nhận thức chưa đúng.

            Ba là, đa số người dân nhận thức chưa đúng về tên gọi của hình thức sở hữu đối với đất đai, đối với ruộng đất. Cụ thể, đa số người dân địa phương cho rằng, đất nông nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước.

            Kết quả nêu trên đặt ra một số vấn đề sau đây:

            Thứ nhất, đa số người dân địa phương đã nhận thức đúng đắn về mối tương quan giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, về các quyền năng của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và các quyền năng cụ thể thể của người sử dụng đất đối với đất đai, đất nông nghiệp. Nhận thức này cần được củng cố và phát huy.

            Thứ hai, cần tôn trọng hơn nữa quyền được thống nhất về việc thu hồi và thoả thuận về giá đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy, người dân địa phương nhận thức khá tích cực về nội dung này. Tuy nhiên, thực tế quy định của pháp luật hiện hành chưa đạt tới mức trao cho người sử dụng đất nói chung, người sử dụng đất nông nghiệp nói riêng quyền như vậy. Do đó, đây nên được nhìn nhận như nguyện vọng, yêu cầu của người dân địa phương về việc được trao quyền thống nhất về việc thu hồi và thoả thuận về giá đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Đó là quyền năng hoàn toàn phù hợp với hình thức sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, người sử dụng đất được trao quyền sử dụng đất và có quyền năng đối với quyền sử dụng đất như một thứ quyền tài sản.

            Thứ ba, nhận thức của người dân địa phương về hình thức sở hữu đối với đất nông nghiệp về cơ bản là chưa chính xác khi đa số cho rằng, hình thức sở hữu hiện nay là sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, cách hiểu này khá gần với hình thức sở hữu mà pháp luật Việt Nam hiện hành đang ghi nhận, đó là sở hữu toàn dân. Thậm chí, nếu xem xét từ nhận thức của người dân đối với các quyền năng của Nhà nước và quyền năng của chính họ, gia đình họ đối với đất nông nghiệp thì nhận thức của họ hoàn toàn logic, rất thực tế. Người dân đã hiểu một cách trực diện rằng, với những quyền năng hiện có của Nhà nước đối với đất nông nghiệp thì chủ sở hữu đối với đất nông nghiệp chính là Nhà nước mà không hiểu rằng, thực chất quyền đó là quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước. Do vậy, trong điều kiện Việt Nam tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diển chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối thì nội dung này cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, rộng dãi hơn trong người dân địa phương nói riêng, người dân nước nói chung.

            Thứ tư, một trong những quyền và nghĩa vụ quan trọng của người dân đối với đất nông nghiệp mà cá nhân, hộ gia đình được trao và giàng buộc đó là quyền cải tạo, bồi bổ đất để bảo đảm chất lượng đất nông nghiệp, từ đó nâng cao khả năng khai thác, sử dụng đối với loại đất này. Vì đây là một việc khó, Nhà nước luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ để người dân thực hiện. Tuy nhiên, người dân địa phương còn nhận thức thấp về quyền năng này. Thêm vào đó, miễn giảm thuế nông nghiệp, tiền sử dụng đất nông nghiệp đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện trong nhiều thập kỷ qua, đây là một chính sách vô cùng ưu việt và nhân văn, cho thấy Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến đời sống của người nông dân, nhưng người dân địa phương cũng chưa nhận thực được đầy đủ. Các nội quan trọng này cần được đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao nhận thức trong nhân dân.

3. Kết luận

            Pháp luật Việt Nam đã và đang hoàn thiện dần quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất nông nghiệp. Đặc biệt, thời gian tới đây, Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành thay thế Luật Đất đai năm 2013.

            Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, nhận thức của người dân xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất nông nghiệp tương đối đúng đắn. Các nội dung được người dân địa phương nhận thức đúng cơ bản là quyền năng cụ thể của cá nhân, hộ gia đình đối với đất nông nghiệp, như quyền tặng cho, để thừa kế, chuyển nhượng, góp vốn, cho thuê đất… cũng như các quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, như quyền quyết định mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức, thời hạn sử dụng đất. Tuy nhiên, nhận thức về tên gọi của hình thức sở hữu đối với đất đai, về quyền được Nhà nươc hỗ, cải tạo, bồi bổ đối với đất đai còn hạn chế. Nội dung này cần được tuyên truyền sâu rộng hơn trong người dân địa phương nói riêng, người dân trên cả nước nói chung.

 

Tài liệu tham khảo 

1. Bunlama Hăngpon Xa, Tìm hiểu chế độ sở hữu toàn dân về đất đai theo Luật Đất đai năm 2003, Khoá luận tốt nghiệp, Hà Nội, tr 34, 2005.

2. Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 6 tháng 11 năm 2010 của Hội Nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp Luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Hà Nội, 2010.

3. Quốc hội, Hiến pháp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, Hà Nội, 2013.

4. Quốc hội, Bộ luật Dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015, Hà Nội, 2015.

5. Quốc hội, Luật Đất đai được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013, Hà Nội, 2013.

6. Lê Minh Tuynh, Quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với phát triển kinh tế ở các tỉnh Bắc trung bộ, Luận án tiến sĩ, Hà Nội, tr42, 2011.

7. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đất đai, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, tr. 79, 2016.

8. Uỷ ban nhân dân huyện Phú Xuyên, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, Hà Nội, 2021.