Lê Thị Xuân,

Bộ môn KTCT-CNXHKH, Khoa KHXH

Nghề giáo là một trong số nghề được xã hội tôn vinh là nghề cao quý, được xác định là quốc sách hàng đầu của Quốc gia. Được làm nhà giáo là kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng, vượt qua nghịch cảnh, tu dưỡng đạo đức, nuôi dưỡng đam mê… Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều những nỗi lo và trăn trở của nghề giáo. Trải qua 20 năm làm nghề, tôi đã được chứng kiến không ít những thay đổi về chủ trương, chính sách đối với giáo dục, những buồn vui, trăn trở với nghề giáo là rất nhiều, có thể kể đến một số những điều sau:

Thứ nhất, nỗi lo thất nghiệp

Nhiều gia đình định hướng con em thi vào ngành sư phạm với mong muốn có một nghề nghiệp ổn định, không bon chen, an toàn, được đi dạy ngay sau khi tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, thực tế với việc nhiều trường Đại học ồ ạt đào tạo ngành sư phạm cùng với cơ chế sinh viên được miễn học phí, được trợ cấp sinh hoạt phí nên số lượng sinh viên thi tuyển vào ngành sư phạm khá nhiều. Số lượng cử nhân tốt nghiệp ngành sư phạm đông nhưng nhu cầu giáo viên ít, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, làm không đúng ngành nghề của cử nhân sư phạm trở nên phổ biến. Thật xót xa khi biết bao tiền bạc, công sức, hy vọng đã bỏ ra mà các em không thể trở thành nhà giáo. Đó là đối với các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm, còn đối với các thầy cô hiện tại thì sao? Ngoại trừ bộ phận thầy cô đang giảng dạy tại các trường công lập thuộc hệ thống giáo dục tiểu học, THCS, THPT có vẻ yên tâm hơn về sự ổn định của nghề nghiệp, bộ phận thầy cô còn lại luôn thường trực nỗi lo thất nghiệp dù đã và đang có việc làm. Với việc thay đổi của cơ chế đào tạo, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngày càng được mở rộng. Các trường công lập tổ chức theo hướng tự chủ ngày càng nhiều, ngành học được mở mới nhiều hơn dẫn đến quy mô tuyển sinh mở rộng. Các trường cạnh tranh nhau quyết liệt trong công tác tuyển sinh. Sự thay đổi của nền kinh tế dưới tác động của biến đổi công nghệ dẫn đến nhiều ngành học truyền thống không tuyển sinh được người học. Các thầy cô không có tiết giảng trở thành gánh năng đối với cơ sở đào tạo. Thầy cô buộc phải chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ không thuộc chuyên môn nghề giáo, giảng dạy các môn học không đúng chuyên môn,...thất nghiệp vẫn là nỗi lo hiện hữu dù thầy cô đang có việc làm. Hoặc làm việc nhưng trong tâm thế không chính danh, hiệu quả thấp, niềm vui, hạnh phúc với nghề giáo trở nên mai một.

Thứ hai, nỗi lo về tài chính

Mặc dù có nhiều những cải cách về tiền lương đã được thực hiện trong thời gian qua, nhưng cũng như các ngành nghề khác, tiền lương nhà giáo trong hệ thống công lập còn thấp. Với những thầy cô giáo sống tại các đô thị lớn với mức chi tiêu ngày càng đắt đỏ thì để vận hành một gia đình với mức tiền lương từ nghề giáo là khá chật vật, đặc biệt là những gia đình cả hai vợ chồng đều làm nghề giáo. Thế nên không hiếm để bắt gặp các thầy cô dạy thêm để tăng thu nhập, khi dạy thêm trở thành nguồn thu nhập chính thì kéo theo đó là cái nhìn không mấy thiện cảm của phụ huynh và xã hội với các hình thức biến tướng hoạt động này, mặc dù bản chất của nó không phải là xấu. Những nỗi lo về tài chính cộng hưởng với sự thiếu tu dưỡng về đạo đức nghề nghiệp dẫn đến hiện tượng giáo viên gây áp lực buộc học sinh phải học thêm dù không thực sự cần thiết là có thật. Nghề nhà giáo không còn thực sự cao quý trước áp lực tài chính. Với những môn học không thể dạy thêm, việc thầy cô làm thêm các nghề nghiệp khác trở nên phổ biến, thầy cô bán hàng online, ship hàng...không còn hiếm. Những nghề nghiệp khác mà thầy cô đang tham gia không xấu nhưng thật đáng buồn vì nghề giáo không thể nuôi sống thầy cô. Đối với các cơ sở đào tạo, nỗi lo về tài chính để trang trải chi phí vận hành trường lớp trong bối cảnh tự chủ gia tăng lại càng áp lực. Việc tuyển sinh ồ ạt, tăng học phí liên tục là đương nhiên. Người học và gia đình không vui. Tâm lí đi học mất nhiều tiền đè nặng, người để học sinh và gia đình thể hiện thái độ chính là thầy cô vì xưa đến nay trường là thầy cô, thầy cô là trường. Thậm chí những thái độ, ứng xử không phù hợp của phụ huynh và người học đã và đang được giận dữ trút lên thầy cô.

Thứ ba, nghề giáo không nhàn hạ như xã hội nghĩ

Trong nhận thức của xã hội, nghề giáo là công việc khá nhàn hạ. Giáo viên ngày lên lớp vài tiết, buổi sáng hoặc chiều, có thời gian nghỉ hè vẫn hưởng đủ lương từ 1 đến 3 tháng tùy cấp học, có nhiều thời gian chăm sóc gia đình... Thực tế, giáo viên ngoài việc lên lớp còn rất nhiều công việc phải làm. Soạn, bổ sung, điều chỉnh giáo án, bài giảng là việc phải thực hiện thường xuyên trước những thay đổi và yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, những thay đổi về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi thầy cô phải có nhiều cải tiến sáng tạo trong phương pháp giảng dạy để có thể nhận được sự công nhận của người học và xã hội. Việc hoàn thiện hồ sơ, sổ sách, báo cáo chuyên đề, nghiên cứu khoa học, viết báo, làm đề tài, dự giờ, kiểm tra, chuẩn bị hồ sơ kiểm định, xây dựng đề cương, đổi mới ngành đào tạo, chuẩn bị môn học xây dựng ngành học mới, sơ kết, đánh giá, bồi dưỡng chuyên môn,… phần lớn công việc này giáo viên phải xử lý ngoài giờ lên lớp, ở nhà. Giáo viên tiểu học kiêm thêm trông giữ trẻ bán trú, trông giữ sau giờ học. Giáo viên chủ nhiệm thì còn phải quản lý thêm những hoạt động ngoại khóa của lớp, thường xuyên phối hợp với giáo viên bộ môn, liên lạc với phụ huynh để giáo dục học sinh. Giảng viên các trường nghề, cao đẳng, đại học thêm nhiệm vụ tuyển sinh... Nhiều công việc không được đào tạo trong ngành sư phạm nhưng giáo viên vẫn đã và đang thực hiện với rất nhiều áp lực.

Thứ tư, nghề giáo trở thành một nghề nhiều áp lực và nguy hiểm

Sự phát triển của xã hội kéo theo truyền thống tôn sư trọng đạo dần biến đổi. Nếu như trước đây, phụ huynh hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng các phương pháp giáo dục của thầy cô đối với con em mình thì hiện tại các gia đình ngày càng chăm lo, nuông chiều con cái nhiều hơn, cộng hưởng với một số biểu hiện xuống cấp đạo đức của một bộ phận thầy cô, làm sự tin tưởng của phụ huynh, xã hội, người học đối với thầy cô ngày càng giảm sút. Xã hội ngày càng đòi hỏi nhiều hơn và khắt khe hơn với thầy cô. Người thầy bị cha mẹ học sinh và xã hội đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề, đó là giáo dục học sinh, con em của họ thành những con người tài giỏi, trí đức. Sự kỳ vọng đó khiến trách nhiệm của người thầy nặng nề hơn bao giờ hết.  Sự phê bình, quở trách người học dù đúng cũng cần phải thận trọng. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rầm rộ và trở thành công cụ "truyền tin" với tốc độ nhanh chóng, sự cắt ghép thật giả lẫn lộn... làm giáo viên luôn mang theo những nỗi sợ vô hình khi thực hiện công việc. Thầy cô còn chịu không ít áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước với hệ thống luật, các quy định ngành, chủ trương đổi mới giáo dục, về văn bằng, chứng chỉ và hồ sơ theo quy định. Người giáo viên chịu áp lực từ chất lượng giáo dục, chỉ tiêu giảng dạy và thành tích của đơn vị.

Dù rằng nghề giáo, nhà giáo hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và những nỗi lo, đội ngũ nhà giáo vẫn đang nỗ lực vượt qua tất cả để tiếp tục sự nghiệp "trồng người". Mong rằng trong tương lai, nghề giáo sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm, thấu hiểu và tôn trọng từ các cấp chính quyền, phụ huynh và xã hội. Giáo dục sẽ trở về đúng với vị thế, vai trò là động lực của sự phát triển.