Nuôi sá sùng kết hợp trồng rừng ngập mặn tại cửa sông Trường Giang
Cập nhật lúc 13:32, Thứ tư, 30/05/2018 (GMT+7)
Sá sùng còn gọi là trùn biển, giun biển, hay địa sâm... thường gặp ở những vùng biển triều. Ở Việt Nam, sá sùng thường được bắt gặp ở các vùng biển Quảng Ninh, Nha Trang, Côn Đảo... Sá sùng ở nước ta chủ yếu được khai thác trong tự nhiên và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước làm thực phẩm.
Sá sùng còn gọi là trùn biển, giun biển, hay địa sâm... thường gặp ở những vùng biển triều. Ở Việt Nam, sá sùng thường được bắt gặp ở các vùng biển Quảng Ninh, Nha Trang, Côn Đảo... Sá sùng ở nước ta chủ yếu được khai thác trong tự nhiên và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước làm thực phẩm. Nhiều tài liệu cho thấy nhu cầu sử dụng sá sùng hiện rất cao trên thị trường do những đặc tính dược tính của chúng. Sá sùng hiện được coi là nguồn dược phẩm bổ dưỡng giúp tăng cường sinh lực, bồi bổ cơ thể và vì thế chúng đang bị khai thác quá mức. Giá sá sùng cũng vì thế ngày càng trở nên đắt đỏ có khi lên tới 4 triệu đồng/kg khô. Trước nhu cầu ngày càng cao, nhiều địa phương đã nhận thấy vai trò quan trọng cần bảo tồn, phát triển nguồn lợi và nuôi thương phẩm đối tượng này.
Hình 1: Khu vực nghiên cứu (a) và người dân khai thác sá sùng tự nhiên (b)
Các nghiên cứu và khảo sát thực tế cho thấy, sá sùng cũng phân bố tự nhiên ở các vùng cửa sông ở Quảng Nam. Người dân nơi đây vẫn hàng ngày khai thác đối tượng này trong tự nhiên. Điều đó cho thấy môi trường ở đây phù hợp với đặc điểm sinh học của sá sùng. Tuy nhiên, do nhu cầu sá sùng ngày một tăng, hoạt động khai thác được đẩy mạnh khiến cho sản lượng khai thác rất hạn chế và có xu hướng ngày càng giảm sút.
Hình 2: Bãi bồi trước và sau khi trồng rừng ngập mặn, thả nuôi sá sùng
Nhận thấy thực tế này, trong khuôn khổ dự án cấp nhà nước ‘Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam”, nhóm nghiên cứu Khoa thủy sản – Học viện nông nghiệp Việt Nam và Viện sinh thái và bảo vệ công trình đã tiến hành “Xây dựng mô hình nuôi sá sùng trong rừng ngập mặn” tại vùng bãi bồi cửa sông Trường Giang, Quảng Nam nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn và môi trường sinh thái.
Mô hình được bố trí nuôi sá sùng trên bãi triều và trong các khay nhựa nhằm đánh giá chính xác về tỉ lệ sống, tốc độ tăng trưởng của sá sùng nuôi. Các khay nhựa được lót lưới và làm đầy bằng chất đáy tại chỗ nơi có tỉ lệ cát cao, không có hiện tượng bồi lắng phù sa. Sau đó, sá sùng được thả nuôi với mật độ 10 con/khay trước khi phủ lưới bảo vệ. Khay được bố trí trở lại bãi bồi.
Hình 3: Chọn giống sá sùng (a) và sá sùng khi kiểm tra sinh trưởng (b)
Kết quả bước đầu kiểm tra cho thấy sá sùng sinh trưởng tốt và có tỉ lệ sống khá cao (>80%). Trên cơ sở này, các điều chỉnh về mật độ và môi trường nuôi sẽ được tối ưu hóa để cho kết quả cao nhất. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên tiến hành thả nuôi sá sùng ngoài điều kiện tự nhiên kết hợp với trồng rừng ngập mặn ở Việt Nam.