Trong khuôn khổ nội dung hợp tác giữa Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Ngày 15/04/2023, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng-Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng đoàn chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc) đã có buổi làm việc với UBND huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh về phương hướng hợp tác phát triển nông nghiệp tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
|
|
Hình 1. Đoàn làm việc tại huyện Đầm Hà-tỉnh Quảng Ninh |
Tại buổi làm việc, thành phần gồm: Đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, Chủ trì buổi làm việc; Lãnh đạo các phòng ban thuộc UBND huyện Đầm Hà (Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm dịch vụ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp); Lãnh đạo UBND các xã (xã Quảng Tân, xã Đại Bình, xã Dực Yên và xã Quảng Lâm). Đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng-Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây-Trung Quốc, gồm: Đồng chí LYU RONGHUA-Chức vụ Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế; đồng chí CHEN LEI, Chuyên gia nghiên cứu lúa; đồng chí LIU WANJUN, Chuyên gia nghiên cứu rau và đồng chí ZOU CHENGLIN, Chuyên gia nghiên cứu ngô.
|
|
Hình 2. Đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến phát biểu tại Hội nghị |
Đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến đã báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp tại huyện Đầm Hà. Theo Báo cáo, huyện Đầm Hà có 26,97 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 82,43% tổng diện tích đất tự nhiên. Đất trồng lúa là 2,445 nghìn ha, đất trồng cây hàng năm là 879,52ha, đất trồng cây lâu năm là 930,03ha và đất rừng sản xuất là 1.815ha. Đề án quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đầm Hà duy trì 2,0 nghìn ha đất trồng lúa, trên 1,0 nghìn ha cây màu, huyện đã quy hoạch 35ha trồng cây rau Cải củ trắng, sản phẩm chế biến từ Củ cải trắng chủ yếu là Củ cải thái phơi phên và Củ cải thái sấy khô, huyện mong muốn trồng thử nghiệm nhiều loại củ cải màu (đỏ, tím…), chế biến dạng Củ cải muối, nước ép củ cải…. Huyện đã xây dựng đề án trồng khoảng 1,5 nghìn ha trồng cây ăn quả, trong đó có 500-800ha trồng cây chanh leo, diện tích cây ăn quả còn lại tập trung trồng cây có múi, mít, na. Diện tích trồng cây lâm nghiệp tập trung trồng và khai thác cây gỗ chất lượng cao. Huyện đã quy hoạch trên 3,5 nghìn ha trồng cây Quế, sản phẩm Quế chủ yếu khai thác vỏ, sấy khô và xuất sang Trung Quốc, hiện nay nguồn nguyên liệu thân, lá, rễ của cây Quế vẫn chưa khai thác chế biến gây lãng phí nguồn nguyên liệu. Huyện cũng xây dựng đề án quy hoạch 300ha trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, huyện có 4,5 nghìn ha diện tích nước mặt nuôi trồng thủy, hải sản. Huyện đã quy hoạch 450ha nuôi tôm công nghệ cao, xây dựng đề án quy hoạch trên 2,0 nghìn ha nuôi con Sá Sùng, Cá Song, Giun đen (Bông thùa).
|
|
Hình 3. Đồng chí Nguyễn Văn Mười phát biểu tại Hội nghị |
Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng nông nghiệp mới, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đề xuất hướng hợp tác, cụ thể như sau:
(1) Chuyển giao và ứng dụng các giống cây trồng mới như: giống lúa chất lượng cao, giống lúa phục vụ chế biến (Bánh bún, phở), giống ngô nếp phục vụ thị trưởng ăn tươi, giống ngô sinh khối phục vụ chế biến thức ăn bò sữa.
(2) Chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật: Canh tác cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; hữu cơ; kỹ thuật canh tác quản lý dịch bệnh hại cây trồng…
(3) Kết nối với các chuyên gia, cán bộ có trình độ cao về việc tư vấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò, nuôi trồng thủy hải sản…
(4) Ứng dụng các công nghệ chế biến như: Công nghệ chế biến Quế, các công nghệ chế biến lá, rễ cây Quế; công nghệ chế biến Củ cái sấy khô, củ cải muối, nước ép củ cải….; Công nghệ chế biến, đóng gói rau, củ, quả….
(5). Xây dựng các mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; mô hình kiểu mẫu để nhân rộng vào thực tiễn sản xuất.
(6) Tham gia đào tạo nguồn cán bộ nông nghiệp chất lượng cao.
(7) Phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng giống cây trồng mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp.
Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng kính mong Quý thầy cô, các chuyên gia quan tâm phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng thực hiện các nhiệm vụ hợp tác tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
|
|
Hình 4. Hình ảnh thăm quan mô hình trồng dưa lưới đạt chuẩn hữu cơ tại huyện Đầm Hà-tỉnh Quảng Ninh |