[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Ngày 14/8/2024, tại Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Ban đối tác chăn nuôi không lồng nhốt (Cage Free) tại Việt Nam đã chính thức ra mắt, với mục đích hỗ trợ các hoạt động phúc lợi động vật.

 Ban đối tác chăn nuôi không lồng nhốt tại Việt Nam ra mắt

Lễ ra mắt nằm trong khuôn khổ hội thảo “Chuyển đổi gà không lồng cơ hội và thách thức”, do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) và Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam – VNUA) phối hợp tổ chức. Hội thảo với sự tham gia của hơn 80 khách mời đến từ các Hiệp hội, Viện, Trường, doanh nghiệp, sinh viên… nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin khoa học liên quan đến phúc lợi trong chăn nuôi gà và thúc đẩy chăn nuôi gà không nhốt lồng tại Việt Nam.

 Các đại biểu tham dự hội thảo

Kết nối hệ sinh thái chăn nuôi không lồng tại Việt Nam

Trao đổi với phóng viên về lễ ra mắt nhóm đối tác chăn nuôi không lồng nhốt tại Việt Nam, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng là Trưởng ban đối tác cho biết, phúc lợi động vật đã và đang tiếp cận với cuộc sống; đã được luật hóa bằng Luật Thú y 2015, điều 20-21 và Luật Chăn nuôi 2018, điều 69-70-71-72. Phúc lợi động vật (PLĐV) đã được đưa vào Luật và có một số văn bản hướng dẫn và đã thực hiện PLĐV đối với nhóm gà đẻ trứng, nhưng thực tiễn việc triển khai chưa thật mạnh mẽ.

TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch VFAEA, đồng thời cũng là Trưởng ban đối tác chăn nuôi không lồng nhốt 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các trang trại đảm bảo PLĐV theo tiêu chuẩn chương trình chăm sóc và nuôi dưỡng nhân đạo dành cho vật nuôi trang trại (Humane Farm Animal Care-HFAC). Mặt khác, ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp tiêu dùng đã thu mua sản phẩm trứng từ trang trại đảm bảo PLĐV có chứng nhận trên bao bì sản phẩm, để khẳng định trách nhiệm xã hội và môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thu mua và các trang trại chăn nuôi còn chưa có sự kết nối mạnh mẽ, người tiêu dùng cũng chưa thật sự làm quen với sản phẩm chăn nuôi đạt phúc lợi động vật.

Vì vậy,  Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, đơn vị có hơn 735 thành viên trong đó khoảng 125 là đơn vị đối tác tập thể, các trang trại, doanh nghiệp nhận thấy, việc thành lập các ban đối tác là rất cần thiết. Ban đối tác bao gồm các thành viên liên quan trong hệ sinh thái này, bao gồm chuỗi giá trị đầu vào (thức ăn chăn nuôi, giống, thuốc thú y, vắc xin, thiết bị); đến các trang trại và các nhà thu mua, nhà sản xuất (sản xuất bánh kẹo) và người tiêu dùng. Ban đối tác đã được thành lập, gồm: Trưởng ban là đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA); Phó ban là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi như C.P. De Heus, San Hà, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương. Thành viên ban đối tác còn có các thành viên từ Viện Chăn nuôi, Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Greenvet, công ty Kinh Đô Mondelez, đại diện Chi cục Thú yt Hà nôi, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang. Ban đối tác đa xây dựng quy chế hoạt động và họp 3 tháng/lần để chia sẻ thông tin và nắm bắt khó khăn của trang trại, doanh nghiệp trong thực hiện tiêu chí quốc tế về  Phúc lợi động vật trong chăn nuôi.

TS Hạ Thúy Hạnh cũng chia sẻ, trong khuôn khổ hội thảo, nhóm đối tác cũng để truyền tải kiến thức cơ bản về chăn nuôi gà PLĐV, tư vấn kỹ thuật về xây dựng chuồng trại và quy trình chăn nuôi làm sao đảm bảo PLĐV theo tiêu chuẩn quốc tế và kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học của Việt Nam.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn tối thiểu về Phúc lợi động vật (minimize Standard) để áp dụng bước đầu tại Việt Nam. Mục đích là đưa những kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi gà, lợn PLĐV vào các trang trại chăn nuôi, giống như trước kia áp dụng an toàn sinh học, dần dần đưa vào thay đổi nhận thức của người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm”.

“Ban đối tác hy vọng sẽ  nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là cho sản phẩm gà hướng trứng nói riêng. Thời gian tới, Ban đối tác cũng sẽ đề xuất các cấp quản lý thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia để việc quản lý chăn nuôi có PLĐV đi vào thực tiễn đời sống”, bà Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh.

Làm rõ hơn cơ hội và thách thức về chăn nuôi gà không lồng

TS. Bùi Huy Doanh, Phó Khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi (VNUA) 

TS. Bùi Huy Doanh, Phó Khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo chia sẻ, chăn nuôi gà không lồng chủ đề được nhiều tổ chức, Hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm quan tâm. Chăn nuôi gà đẻ nhốt truyền thống phát triển từ những năm 20-30 tại Mỹ, sau đó phổ biến thế giới. Tuy nhiên phướng thức chăn nuôi này vi phạm nhiều về PLĐV, vì con vật bị stress vì không được vận động, thể hiện tập tính của loài như tắm táp, mổ đẻ, và bị tổn thương như rụng, xơ lông… Vì vậy, nhiều nước đã cấm phương thức nuôi nhốt gà và đã chuyển sang nhiều phương thức không lồng như nuôi bán chăn thả, nuôi dưới nền, nuôi nhiều tầng hở…

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn sử dụng trứng cam kết ngày càng nhiều trong việc mua trứng từ các trang trại nuôi nhốt không sử dụng lồng. Xu thế chuyển đổi chăn nuôi gà đẻ không lồng đang phát triển nhanh ở nhiều nước. Vì vậy, cần những nghiên cứu chuyên sâu về phương thức chăn nuôi này.

GS.TS Nguyễn Xuân Trạch, Khoa Chăn nuôi (VNUA) 

Tại hội thảo,  GS.TS Nguyễn Xuân Trạch, Khoa Chăn nuôi (VNUA) người có 15 năm đưa khái niệm phúc lợi động vật về Việt Nam cho rằng,  PLĐV có nhiều lợi ích đối với sức khỏe và sức sản xuất của vật nuôi; hiệu quả kinh tế. Cụ thể, đảm bảo phúc lợi là giải pháp tổng thể để đảm bảo sức khỏe của động vật và nâng cao năng suất vật nuôi. Bởi lẽ, phúc lợi tồi thì vật nuôi dễ bị mắc bệnh, giảm sức sản xuất (tốc độ sinh trưởng, sản lượng sữa, tỷ lệ thụ thai). Phúc lợi tốt thì sẽ giúp cho vật nuôi cho năng suất tối đa và chất lượng sản phẩm tốt.

Cùng với đó, phúc lợi động vật tốt sẽ giúp cho vật nuôi ít bị bệnh, chi phí thú y sẽ được giảm đi nhiều; năng suất tăng, sản phẩm có chất lượng cao hơn và giá bán cao hơn trong bối cảnh thị trường thực phẩm với các tiêu chuẩn cao về phúc lợi động vật  ngày càng mở rộng. Từ đó, giúp tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, những vi phạm PLĐV do chuồng trại/quy trình đó là nuôi nhốt mật độ cao làm hạn chế các tập tính tự nhiên, xảy ra các hành vi bất thường  như cắn đuôi, nhổ lông; các kỹ thuật xâm hại như cắt mỏ, thiến, cắt đuôi làm đau và hạn chế các tập tính tự nhiên của vật nuôi.

Tại Việt Nam thì vẫn còn nhiều hành vi phạm nghiêm trọng về phúc lợi động vật với cả vật nuôi trong nhà, động vật nông nghiệp và động vật hoang dã.

GS.TS Nguyễn Xuân Trạch cũng khẳng định, PLĐV là đảm bảo thể chất, tinh thần và tính tự nhiên của động vật. Và để đảm bảo chăn nuôi bền vững, cần có sự hài hòa giữa phúc lợi động vật, lợi nhuận, cộng đồng và môi trường. Phúc lợi động vật là yêu cầu của phát triển bền vững. Dân tộc Việt Nam có trở nên văn minh và sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không còn phụ thuộc vào cách chúng đối xử với động vật.

PGS.TS Bùi Hữu Đoàn, Hội Chăn nuôi Việt Nam 

Còn PGS.TS Bùi Hữu Đoàn, Hội Chăn nuôi Việt Nam thì chia sẻ thẳng thắn, chăn nuôi gà đẻ trứng ở nước ta còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm trong lồng cho năng suất cao, giá hạ nhưng không đảm bảo các tiêu chí về PLĐV.

Cụ thể, chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm (chăn thả trong chuồng không lồng) mang lại cho gà cơ hội để thể hiện bản năng tự nhiên nhất: được tắm bụi, đậu trên sào, được vận động, được làm tổ sẽ có giá cao hơn rất nhiều so với nuôi chuồng lồng; chăn nuôi gà đẻ trứng chất lượng cao ở nước ta (chăn thả) có điều kiện để phát triển tốt, có giá cao và còn dư địa.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hữu Đoàn cũng chỉ rõ, hạn chế khi nuôi gà để không chuồng lồng đó là: gà đẻ rải rác khắp nơi, trứng bẩn tăng, gà ăn nhiều trứng nhất là khi bị stress, thiếu dinh dưỡng và mất nhiều thời gian thu nhặt trứng; kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, khả năng lây lan dịch bệnh là rất cao; chi phí làm vệ sinh cao hơn so với chăn nuôi gà để kiểu truyền thông; chi phí nhân công tăng và đặc biệt là khi chăn thả, tiêu tốn thức ăn cao.

“Xu thế của thế giới chính là đảm bảo PLĐV bằng cách chăn thả tự do và nuôi trong chuồng không lồng. Muốn xuất khẩu thì cần thiết phải đảm bảo PLĐV”, PGS.TS Bùi Hữu Đoàn khẳng định.

TS. Nguyễn Thị Phương Giang. Giảng viên Bộ môn Sinh lý tập tính động vật, Khoa Chăn nuôi (VNUA) 

Đồng quan điểm với PGS.TS Bùi Hữu Đoàn, TS. Nguyễn Thị Phương Giang. Giảng viên Bộ môn Sinh lý tập tính động vật, Khoa Chăn nuôi (VNUA) chia sẻ thêm, ngành chăn nuôi vào nhóm những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao nhất toàn ngành nông nghiệp. Để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu tới các nước thì cần đảm bảo PLĐV.

Trong đào tạo, nghiên cứu, khái niệm PLĐV được giới thiệu thông qua các Hội thảo trong nước và quốc tế. Môn học PLĐV được bắt đầu từ năm 2008 là môn tự chọn, có 2 tín chỉ. Hiện nay, tất cả các trường Đại học có chuyên ngành CNTY đều giảng dạy PLĐV. Hiện nay, duy nhất Khoa Chăn nuôi (VNUA) có bài giảng môn Tập tính – Phúc lợi Động vật đã qua thẩm định hội đồng của Khoa. Hiện nay, một số luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.

“Và để đảm bảo PLĐV, cần phải thực hiện đồng bộ từ các nhà làm Luật, Chính sách; Nhà khoa học; Nhà giáo; Người chăn nuôi; Doanh nghiệp và Người tiêu dùng’, TS Nguyễn Thị Phương Giang nhấn mạnh.

Cam kết của doanh nghiệp về chăn nuôi gà không lồng

Các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội tọa đàm về chuyển đổi gà không lồng 

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, công ty thuộc  Tập đoàn C.P Thái Lan. Tập đoàn C.P Thái Lan đã ký kết với Hội Animal Welfare thế giới và C.P Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện chủ trương này.

Từ năm 2019, chuồng trại heo của C.P thì đã xây dựng tiêu chuẩn PLĐV, giết mổ heo cũng tuân thủ điều này. Về gà đẻ, C.P đang cung cấp con giống 1 ngày tuổi và con gà hậu bị 15 ngày tuổi hàng triệu con mỗi năm. Trước năm 2017, C.P có đàn gà đẻ  2 triệu con, hiện tại đã giảm dần và tiến tới không gà đẻ trứng liên kết theo phương thức chuồng lồng. Thời gian tới, C.P Việt Nam sẽ xem xét chăn nuôi con gà hậu theo tiêu chuẩn PLĐV để phục vụ cho các khách hàng như San Hà, Ba Huân…

Còn đại diện Mondelez Kinh Đô trực thuộc Tập đoàn Mondelez khẳng định, luôn đặt trách nhiệm xã hội và bền vững hàng đầu. Từ năm 2022, công ty đã thu mua trứng mua trứng chăn thả không chuồng lồng (free cage). Các năm 2023 và 2024, công ty tiếp tục tăng mua trứng theo phương thức này. Theo lộ trình, đến năm 2030, công ty sẽ sử dụng 100% trứng Cage free. Hiện nay, Mondelez Kinh Đô công ty sẵn sàng hợp tác với các nhà trang trại đủ điều kiện.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm 

 

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/