Ngày 06 tháng 9 năm 2024, tại Bộ môn Quy hoạch đất đai, Khoa Tài nguyên và Môi trường, nhóm NCM Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng đất và môi trường đã tổ chức Seminar khoa học “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (dự thảo): Một số điểm mới và tác độngdo PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày. Tham dự Seminar gồm các thành viên của nhóm NCM cùng các thầy giáo, cô giáo và sinh viên trong khoa Tài nguyên và Môi trường

leftcenterrightdel
PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày báo cáo tại hội thảo
PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày báo cáo tại hội thảo 

Các nội dung được thảo luận có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn trong điều kiện hiện nay. PGS.TS. Đỗ Thị Tám đã khái quát các vấn đề trong buổi seminar như sau:

1.      Mở đầu

Đô thị và nông thôn là các không gian sống được tổ chức xen kẽ, không thể tách rời và được quản lý theo các cấp chính quyền. Vì vậy, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu một cách thống nhất, đồng thời và hài hoà để đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi lãnh thổ, kết hợp quá trình đô thị hóa với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo quá trình đô thị hoá theo hướng hiệu quả và bền vững.

Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là cơ sở để xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án tại khu vực đô thị, nông thôn, khu chức năng. Quy hoạch đô thị là một công cụ quản lý chiến lược linh hoạt và hiệu quả, định hướng cho việc phát triển các dự án đô thị, từ việc sử dụng đất đến phát triển hạ tầng và tái cơ cấu xây dựng đô thị mới. Quy hoạch đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra và duy trì hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo cung cấp dịch vụ công cộng đầy đủ và hiệu quả cho dân cư đô thị.

Phương án quy hoạch đô thị hợp lý sẽ đảm bảo việc sử dụng đất hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội; giúp điều chỉnh các hoạt động kinh doanh và phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững.

Quản lý và tối ưu hóa việc sử dụng đất đai trong quy hoạch đô thị thông qua điều chỉnh các quy định sử dụng đất, kiểm soát và hướng dẫn các hoạt động đầu tư phát triển đô thị sẽ đảm bảo phát huy nguồn lực đô thị một cách hiệu quả, hài hòa với môi trường xã hội và tự nhiên. Quy hoạch nông thôn là việc tổ chức không gian, sử dụng đất, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, và hạ tầng xã hội của nông thôn.

Quy hoạch nông thôn góp phần cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện, làm cơ sở xác định các dự án đầu tư và lập các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn; là yếu tố quan trọng để hình thành một hình thái làng xã nông thôn mới, bền vững; khơi dậy, phát huy tiềm năng và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. 

Việc thực hiện đồng bộ, đồng thời quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống văn hoá tinh hoa của dân tộc được nâng tầm bằng tư duy đổi mới, hiện đại và tầm nhìn chiến lược. Đồng thời kích hoạt được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh so sánh của mỗi địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, để điều chỉnh hoạt động của quy hoạch, khắc phục được cơ bản các tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch.

Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009 và chương II Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014, được sửa đổi bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14. Theo Luật Quy hoạch năm 2017 quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được xác định là các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; quy hoạch xây dựng (quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng) thuộc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

2.      Khái quát Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Dự thảo)

Phạm vi lập quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng có thể được xác định theo đơn vị hành chính các cấp hoặc lãnh thổ cần quản lý đầu tư xây dựng. Các loại hình thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; mối quan hệ giữa các loại hình quy hoạch; vai trò của từng loại hình, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn cần được quy định rõ ràng để đảm bảo áp dụng pháp luật đồng bộ, thống nhất.

Mục đích chính của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là thúc đẩy kinh tế, xã hội đô thị và nông thôn phát triển toàn diện, đồng bộ và bền vững, đất đai được sử dụng hiệu quả, hợp lý; môi trường sống được cải thiện. Các mục tiêu cụ thể là:

ü  Tạo tiền đề phát triển mới cho từng vùng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

ü  Phát triển đô thị, hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến các đô thị vừa và nhỏ, đô thị miền núi và hải đảo thúc đẩy đô thị hóa nông thôn.

ü  Phát triển đô thị vừa và nhỏ trong mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ chức năng với các đô thị lớn sẽ giảm dần khoảng cách phát triển giữa các đô thị. Các đô thị nhỏ, ven đô sẽ hỗ trợ nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị, nông thôn.

ü  Quy hoạch nông thôn phát triển toàn diện gắn với phát triển đô thị sẽ tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội ở nông thôn đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.

ü  Quy hoạch khu dân cư nông thôn, gắn với bảo vệ tài nguyên nhiên nhiên, văn hóa truyền thống sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững; đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều. cụ thể là

ü  Chương I quy định chung (15 Điều, từ Điều 1 - 15);

ü  Chương II, lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 8 Mục, 27 Điều, từ Điều 16 đến Điều 42);

ü  Chương III, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 09 Điều, từ Điều 43 đến Điều 51);

ü  Chương IV, Quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 07 Điều, từ Điều 52 đến Điều 58);

ü  Chương V, Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều, từ Điều 59 đến Điều 61).

3.      Một số điểm mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và những tác động

Điểm mới thứ nhất: Định vị rõ vị trí Quy hoạch đô thị và nông thôn

 Nội dung:

Tại Điều 5 dự thảo Luật đã quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch. Trong đó:

Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm:

+ Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia theo Luật Quy hoạch năm 2017;

+ Các quy hoạch đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn (theo phạm vi hành chính) và đô thị mới (theo phạm vi định hướng tại quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh); các quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã (theo phạm vi hành chính);

+ Các quy hoạch khu chức năng được định hướng, xác định trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung huyện; quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn gồm:

+ Quy hoạch chung

+ Quy hoạch phân khu

+ Quy hoạch chi tiết.

+ Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, các quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn còn lại là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành.

Tác động:

•         Luật đã điều chỉnh hoạt động quy hoạch trên địa bàn với sự gắn kết phát triển của đô thị và nông thôn; các đối tượng không gian lập quy hoạch được xác định rõ.

•         Nội dung của quy hoạch đô thị và nông thôn được quy định rõ; các nội dung khác được kế thừa theo quy định pháp luật chuyên ngành vào quy hoạch nông thôn nên đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch.

•         Thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một Luật điều đó giúp kiểm soát quá trình đô thị hóa.

•         Xử lý chồng chéo, xung đột giữa các loại quy hoạch.

Điểm mới thứ hai: Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn

 Nội dung:

Dự thảo Luật đề xuất tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ... Cụ thể:

-       Đề xuất phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị (hiện nay quy định Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III);

-       Theo quy định hiện hành, đối với quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới..., trước khi phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng; nay đề xuất điều chỉnh UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi thẩm định các quy hoạch chung đô thị loại III trở lên và quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại III trở lên;

-       Đề xuất bổ sung chức năng thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, quy hoạch đô thị và nông thôn đối với một số cơ quan nhà nước như Đại học Quốc gia, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc UBND cấp tỉnh;

-       Quy định phân cấp về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh; (v) Quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch được giao nhiệm vụ lập quy hoạch đô thị và nông thôn cho các cơ quan chức năng trực thuộc.

Tác động:

-          Việc phân cấp đảm bảo kế thừa, ổn định hệ thống pháp luật.

-          Tăng tính chủ động cho địa phương

-          Phát huy được tiềm năng của địa phương

-          Hướng tới thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn.

Điểm mới thứ 3Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch

Nội dung:

- Không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã);

- Không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ mà tích hợp nội dung quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung các đô thị loại III, IV, V để giảm trình tự việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng.

Tác động: 

- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

- Giảm trình tự việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng.

Điểm mới thứ tưBổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm

Nội dung:

-  Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và

-  Quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Tác động:

-   Khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian,

-   Gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.

Điểm mới thứ 5Bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch

Nội dung:

-       Đề xuất quy định phải rà soát quy hoạch trước khi thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đồng thời đáp ứng các căn cứ, điều kiện điều chỉnh như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh;

-       Có đánh giá về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tác động tiêu cực của việc điều chỉnh và đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện

Tác động: 

-         Đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy hoạch cấp trên,

-         Tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan…

-         Đồng bộ với các quy hoạch khác, tránh sự chồng chéo giữa các quy hoạch

Điểm mới thứ sáu: Bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch

Nội dung:

- Kinh phí chi đầu tư công được sử dụng cho Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017;

- Kinh phí chi thường xuyên được sử dụng cho quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch chi tiết các khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...;

- Kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ được nhập vào nguồn ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật;

- Kinh phí của cơ quan, tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực được giao đầu tư.

Tác động: 

-   Đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch

-   Đảm bảo tính thống nhất với pháp luật về ngân sách.

-   Đảm bảo tính minh bạch thông tin, rõ ràng về thẩm quyền quyết định đối với các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch.

Điểm mới thứ bảy

Nội dung:

Bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; sự tham gia của các cơ tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Tác động: 

- Nâng cao chấp lượng lập và thực hiện phương án quy hoạch

- Khẳng định vai trò của các tổ chức và cộng đồng trong tham gia, giám sát và thẩm định quy hoạch.

- Tăng cường Mặt trận tổ quốc trong Hội đồng thẩm định về quy hoạch

Điểm mới thứ 8

Nội dung:

Bổ sung quy định về Hợp tác quốc tế và quy định trách nhiệm của Chính phủ theo hướng xác định rõ việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tác động:

- Nâng cao chất lượng lập và thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn

- Đảm bảo tính thời sự và phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trong các hoạt động phát triển đô thị và nông thôn

Điểm mới thứ 9 

Nội dung:

Bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tác động: 

- Nâng cao hiệu quả thực hiện phương án quy hoạch

- Làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực hiện quy hoạch

Phần cuối cùng tác giả đã giới thiệu Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 5 vấn đề chính là:

(i)    Nâng cao chất lượng đô thị hóa

(ii)  Xây dựng được ít nhất 05 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế

(iii)  Các chỉ tiêu phát triển đô thị, nông thôn thời kỳ đến năm 2030

•    Hệ thống đô thị: Tỷ lệ đô thị hoá năm 2030 đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị

•    Ưu tiên phát triển các đô thị gắn với các hành lang kinh tế thành các đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng, thúc đẩy lan tỏa phát triển.

(iv) Phát triển 2 thành phố lớn trở thành đô thị năng động, sáng tạo

(v) 08 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương

Sau phần trình bày của tác giả, các thầy/cô tham dự buổi seminar đã có những trao đổi liên quan đến các chủ đề được đề cập như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (dự thảo) làm rõ vị trí của quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Điều đó sẽ tránh được sự chồng chéo trong hệ thống quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng của phương án quy hoạch đô thị và nông thôn.

leftcenterrightdel
Th.S Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch đất đai phát biểu tại buổi hội thảo

Th.S Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch đất đai phát biểu tại buổi hội thảo 

                                                                   PGS.TS. Đỗ Thị Tám - Nhóm NCM Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng Đất và Môi trường