Ngày 26 tháng 8 năm 2024 tại bộ môn Quy hoạch đất, nhóm NCM Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng đất đai và Môi trường đã tổ chức buổi Seminar do PGS.TS Nguyễn Quang Học trình bày với đề tài: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội theo quy định luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024

leftcenterrightdel
PGS.TS. Nguyễn Quang Học trình bày seminar 

Nội dung Seminar đã được PGS.TS. Nguyễn Quang Học khái quát như sau:

1. Căn cứ và đặc trưng của quy hoạch sử dụng đất

a) Căn cứ

- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

- Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15,

- Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai: khoản 5 Điều 15, khoản 6 Điều 18, khoản 5 Điều 19, khoản 6 Điều 20, khoản 10 Điều 21 và khoản 1, khoản 3 Điều 110 của Nghị định này.

- Thông tư Quy định kỹ thuật việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

-  Loại hình quy hoạch sử dụng đất

(1) Cấp Quốc gia: lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia;

(2)  Cấp tỉnh: lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

(3) Cấp huyện:

+ Lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

+ Lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

(4) Đất quốc phòng, đất an ninh: lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh.

b)  Đặc trưng nổi bật của quy hoạch.

(i) Quy hoạch vừa thể hiện tầm nhìn của Nhà nước về định hướng phát triển kinh tế xã hội trong trung hạn, dài hạn;

(ii)  Quy hoạch vừa thể hiện ý chí của Nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn;

(iii)  Quy hoạch cũng vừa là lợi ích của Nhà nước gắn liền với lợi ích của người dân và lợi ích công cộng. Thực hiện hiệu quả quy hoạch đi đôi với việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch còn tạo được nhiều nguồn thu lớn và bền vững cho ngân sách nhà nước.

 Luật Đất đai 2024 và các luật chuyên ngành chưa thực sự đảm bảo tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch ngành quốc gia có sử dụng đất.  Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai 2024 và các quy định về quy hoạch có sử dụng đất của các ngành quốc gia theo các luật chuyên ngành đảm bảo được định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Năm 2017, Quốc hội mới ban hành Luật Quy hoạch 2017 và để đảm bảo tính khả thi của Luật Quy hoạch 2017, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan về quy hoạch. Quốc hội lại phải ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 để xử lý các “vướng mắc” trong thực thi các quy định pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện với quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; hoặc giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia (trong đó có quy hoạch ngành quốc gia) của Luật Quy hoạch 2017 và 37 luật có liên quan về quy hoạch. Luật Quy hoạch 2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan về quy hoạch, trong đó có Luật Đất đai 2024, đã điều chỉnh một phần, nhưng vẫn chưa thực sự đảm bảo được tính đồng bộ, liên kết giữa các văn bản luật: “Các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn; Các quy hoạch nêu tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2019, trong quá trình thực hiện được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt”.

2. Về xác định vị trí của “quy hoạch sử dụng đất” trong hệ thống “các lớp quy hoạch” có sử dụng đất của các ngành quốc gia.

- Nhận thấy, “quy hoạch sử dụng đất” cần thể hiện được vị trí “lớp quy hoạch nền tảng” trong hệ thống “các lớp quy hoạch”, khởi đầu từ “quy hoạch sử dụng đất quốc gia”, “quy hoạch không gian biển quốc gia”. Quy hoạch sử dụng đất là “lớp quy hoạch 1”, là nền tảng để các ngành quốc gia khác lập “các lớp quy hoạch tiếp theo”. 

- Khái niệm “quy hoạch sử dụng đất quốc gia” đã bao gồm “quy hoạch không gian biển quốc gia”, như Hiến pháp 2013 đã quy định “lãnh thổ quốc gia” (còn có thể gọi là “đất quốc gia”) bao gồm “đất liền, vùng trời, vùng biển”, thì “quy hoạch không gian biển quốc gia” chỉ là quy hoạch thành phần của “quy hoạch sử dụng đất quốc gia”. Đồng thời, pháp luật về đất đai còn có khái niệm “đất có mặt nước”, nên hoàn toàn có thể sử dụng khái niệm “đất có biển” để chỉ “không gian biển quốc gia”. Bên cạnh đó, việc sử dụng khái niệm “không gian biển quốc gia” cũng có thể chưa thật chính xác về khái niệm pháp luật (kể cả công pháp quốc tế), bởi lẽ từ “không gian biển” không đồng nghĩa với từ “đất có biển” hoặc từ “biển”. Cần xem xét kỹ, để sử dụng các khái niệm, đặc biệt quan trọng đối với các khái niệm về “lãnh thổ quốc gia”, về “đất đai”, về “đất có biển”, “Quy hoạch sử dụng đất” theo quy định của Luật Đất đai 2024 cũng cần thể hiện đầy đủ các không gian quy hoạch, mới tập trung chủ yếu vào việc “quy hoạch sử dụng đất” đối với không gian bề mặt của đất đai, chưa quy định “quy hoạch sử dụng đất đối với không gian bên trên mặt đất”; hoặc chưa quy định “quy hoạch sử dụng đất đối với không gian ngầm” 

- Đối với TP trực thuộc trung ương không lập QHSDD mà lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm

- Đối với quận đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm”, đã “giới hạn” phạm vi “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” và với quy định này, còn cho thấy mối liên kết giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành.

3. Thiết lập “kế hoạch sử dụng đất” đối với “khu vực tư nhân” và vướng mắc do quy định dự án đầu tư có sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện và phải có trong danh mục thu hồi đất cấp tỉnh.

Quy định cấp tỉnh phải lập “danh mục dự án cần thu hồi đất”; hoặc cấp huyện lập kế hoạch sử dụng đất phải “xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất”; hoặc quy định dự án đầu tư thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải “phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện” 

 Quy định: (i) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất; (ii) kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải “xác định vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất vào mục đích;(iii) dự án đầu tư có sử dụng đất phải “phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố. Công tác lập “quy hoạch tỉnh”, “kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh”, “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” giữ vị trí rất quan trọng, định hướng cho hoạt động đầu tư, phát triển, theo đó “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” phải phù hợp với “quy hoạch tỉnh” và trong trường hợp nhà đầu tư tư nhân đề xuất dự án đầu tư có sử dụng đất nhưng chưa nằm trong “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện”, thì cần phải xem xét điều chỉnh đồng bộ “quy hoạch tỉnh”.  Nhà nước thiết lập “kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” và “kế hoạch sử dụng đất cấp huyện”, hoặc lập “danh mục dự án cần thu hồi đất” đối với khu vực kinh tế nhà nước và các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc “khu vực nhà nước”, hoặc để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.

Còn đối với khu vực kinh tế tư nhân, thì Nhà nước chỉ cần định hướng phát triển thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó có công cụ quy hoạch bao gồm công cụ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở và các công cụ “đòn bẩy” then chốt như công cụ tài chính - thuế, công cụ tiền tệ - tín dụng để định hướng đầu tư cho các nhà đầu tư. Nhà nước không nên và không thể áp đặt kế hoạch đối với khu vực tư nhân.

Trường hợp vẫn phải lập “kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” và “kế hoạch sử dụng đất cấp huyện”, thì khi phê duyệt dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư tư nhân phù hợp với “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” được “cập nhật” để bổ sung vào “kế hoạch sử dụng đất cấp huyện” và “kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh”, để tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết.

4. Về động lực phát triển kinh tế xã hội từ công tác chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai thì có 03 nhân tố giữ vai trò quyết định:

(i) Một là, nhân tố quy hoạch bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch ngành quốc gia; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đô thị, nông thôn; Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;

(ii) Hai là, mục đích sử dụng đất, công năng sử dụng đất theo quy hoạch;

(iii) Ba là, suất đầu tư trên đất càng cao thì hiệu quả sử dụng đất càng lớn, như các ví dụ sau đây:

Luật đất đai quy định Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang công năng mới, đặc biệt là trong các trường hợp chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, hoặc từ đất sản xuất phi nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ, hoặc từ đất phi nông nghiệp không phải là ở sang đất ở, tạo ra “chênh lệch địa tô”, giá trị gia tăng mới, có thể tạo ra giá trị rất lớn.

Đề xuất hoàn thiện cơ chế lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đi đôi với việc Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư.

5.  Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo rà soát định kỳ, hoặc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Về nguyên tắc quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất sau khi phê duyệt vẫn có thể được điều chỉnh thông qua rà soát định kỳ, hoặc phải điều chỉnh cục bộ (đột xuất) để phục vụ đầu tư phát triển, do thay đổi mục tiêu phát triển, hoặc do đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên trong các năm qua, đã có một số trường hợp điều chỉnh cục bộ theo yêu cầu và gần như chỉ đơn thuần phục vụ lợi ích của nhà đầu tư, không hài hoà với lợi ích công cộng, gây bức xúc trong xã hội, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, tham nhũng. 

Khi thẩm định, xét duyệt quy hoạch thì phải qua nhiều khâu, nhiều bước rất chặt chẽ, nhưng khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ thì quy trình lại giản đơn, do một số ít người quyết định mà thôi. Đề nghị quy định chặt chẽ công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo chất lượng quy hoạch thể hiện tầm nhìn của nhà nước và có tính khả thi, tạo nguồn lực từ đất đai để phát triển đất nước.

Sau phần trình bày của tác giả, các thầy/cô tham dự buổi seminar đã có những trao đổi liên quan đến các chủ đề được đề cập phục vụ công tác giảng dạy và NCKH đối với những vấn đề liên quan đến Luật Đất đai 2024.

PGS.TS Nguyễn Quang Học - Nhóm NCM Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng đất đai và Môi trường