Một trong những hoạt động của nhóm Nghiên cứu mạnh  Vi sinh vật và an toàn thực phẩm là tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế. 

Ngày 28/7-3/8/2024, đoàn công tác của nhóm NCM gồm PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy và TS. Vũ Quỳnh Hương đã có đợt đi công tác tìm hiểu, kết nối và chia sẻ năng lực của nhóm với một số tổ chức của Lào ở Siphandone. Đây là khu vực với 4000 hòn đảo, đại diện cho hệ sinh thái quan trọng của sông Mê Kông và là nguồn cung cấp cá lớn nhất tại Lào..

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc bảo tồn hệ sinh thái và đảm bảo an toàn thực phẩm là những thách thức lớn. Chính phủ Lào cùng các tổ chức quốc tế như ADB, WWF đã triển khai các chiến lược nhằm bảo vệ khu vực và đa dạng hóa sinh kế cho người dân địa phương.

Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với tổ chức WWF tại vùng Siphandone thuộc tỉnh Champasak, Hội nông dân, Hội phụ nữ tỉnh, đại diện UBND huyện Kong và một số hộ chế biến cá tại làng Don Khone và làng Hangsadam.

Tại hội trường, nhóm đã trình bày cho 40 thành viên tham gia về: (1)  Các phương pháp bảo quản và chế biến cá; Phương pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi sản xuất, chế biến cá; (2) Phương pháp và giải pháp phát triển vùng trồng sen như hình thức thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái (EbA – Ecosystem base Adaptation); Việc sử dụng toàn bộ các bộ phận của sen trong các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, tâm linh, sản phẩm công nghiệp, và du lịch sinh thái được đặc biệt nhấn mạnh …

Ngoài ra, nhóm cũng đã giới thiệu về Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây sen của Học viện Nông nghiệp Việt Nam với gần 200 giống sen được thu thập và bảo tồn. Các giống sen này có đặc điểm riêng về hình thái, sinh lý và điều kiện chăm sóc, cho phép người dân Lào có thể lựa chọn giống phù hợp với điều kiện địa phương, giúp cải thiện sinh kế và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Hoạt động thảo luận tại hội trường diễn ra sôi nổi trong hai ngày với nhiều ý kiến đóng góp và trao đổi chi tiết. Chuyến đi thực địa cũng giúp đoàn công tác hiểu rõ hơn về thực trạng và điều kiện vệ sinh tại các cơ sở chế biến cá, từ đó đưa ra những khuyến nghị cải thiện cụ thể. Bên cạnh đó, hoạt động thực tế diễn ra trong 1 ngày tới các làng thuộc đảo khác nhau, nơi diễn ra hoạt động chế biến cá cũng được lãnh đạo địa phương sắp xếp chu đáo.

Về đánh giá chung trong quá trình thức địa, có thể chưa đại diện hết cho các cơ sở chế biến nhưng nhận thấy tại những điểm đến, hộ chế biến đều có điều kiện vệ sinh kém, nơi chế biến làm ở phần dưới của nhà sàn. Phần nền có chỗ đọng nước, có bùn, đất, cỏ. Phía trần bụi, mốc. Xung quanh có gia cầm nuôi thả rông, ruồi, bọ bay nhiều xung quanh. Vật dụng chế biến thô sơ, chủ yếu đựng cá ủ vào trong các túi nilon, sau đó đặt vào trong các thùng nhựa. Phía ngoài túi nilon và ngay cả bên trong sản phẩm, bọ xuất hiện rất nhiều. Người bốc cá, chuyển cá lên men sang các thùng chứa khác không có găng tay bảo vệ, cổ tay đeo vòng vải và đưa tay ngập sâu trong cá và nước cá.

Từng công đoạn trong quá trình thực hiện được quan sát kỹ lưỡng, sau đó phân tích, trao đổi với người dân địa phương về từng nguyên nhân, hậu quả có thể xảy ra, biện pháp khắc phục để họ từng bước cải thiện quy trình chế biến, cải thiện vệ sinh trong toàn chuỗi, giúp sản phẩm đảm bảo được chất lượng và an toàn.

Vùng Siphandone với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp và chế biến thủy sản cần được khai thác một cách bền vững. Việc áp dụng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái (EbA) và đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ sen không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà còn thu hút khách du lịch, tạo cơ sở phát triển mô hình cho nhiều khu vực khác..

Tại nhiều nơi của Lào, tài nguyên đất, nước, cây trồng, vật nuôi, sản phẩm chế biến chưa được khai thác tốt, vấn đề an toàn thực phẩm chưa được quan tâm sâu, do vậy địa phương cần phải có chiến lược và kế hoạch hành động để sử dụng tốt và bền vững các nguồn tài nguyên này, góp phần nâng cao sinh kế, thu nhập cho người dân.

Chuyến đi đã giúp giảng viên của nhóm có thêm trải nghiệm thực tế, tăng cường kết nối với các tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương thuộc một số điểm của vùng Siphandone, hiểu được thực trạng và nhu cầu của người dân nơi đây, làm cơ sở tư vấn, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chính sách của địa phương được phù hợp.

Một số hình ảnh hoạt động

 

leftcenterrightdel
 TS. Vũ Quỳnh Hương, Khoa Công nghệ thực phẩm tư vấn, hướng dẫn về chủ đề chế biến, bảo quản và đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến cá

 

leftcenterrightdel
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Khoa Công nghệ thực phẩm tư vấn, hướng dẫn về chủ đề phát triển cây sen thích nghi dựa vào tự nhiên (NbA – Natural base Adaptation) và khai thác chế biến sản phẩm từ các bộ phận của sen. 

 

leftcenterrightdel
Hình ảnh trao đổi và hướng dẫn, tư vấn chế biến cá đảm bảo an toàn thực phẩm tại làng Don Khone - Lào 
 

                                                          Nhóm NCM Vi sinh vật và ATTP