Chúng ta đang phải đối mặt với việc suy thoái tài nguyên rừng và đất rừng. Nguyên nhân của sự suy thoái này có nhiều, nhưng chủ yếu là do các hoạt động kinh tế không hợp lý và sự bất cập trong quản lý tài nguyên của con người, sự gia tăng dân số và sự nghèo đói của các cộng đồng dân cư sống trên vùng đất dốc. Phục hồi rừng và những vùng đất bị suy thoái đang là mối quan tâm của nhiều người, nhiều tổ chức và cá nhân.

Người ta nhận ra rằng, việc chia sẻ lợi nhuận và trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và đất rừng vẫn còn nhiều phức tạp và những thành tựu đạt được chưa tương xứng với công sức và tiền bạc đầu tư của dân của nước, có thể la do phần lớn người dân ở trung du-miền núi vẫn còn cảm giác rằng họ chưa phải là những người chủ thực sự trên mảnh đất mà họ đã được nhận.

Trong thập niên những năm 90, Việt nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đất thấp nhờ đổi mới trong chính sách và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Nhưng ở vùng đất cao, sản xuất nông lâm nghiệp vẫn chưa làm được những điều mà sản xuất nông lâm nghiệp đã đạt được từ lâu ở vùng đồng bằng. Cái gì đã cản trở sự phát triển nông lâm nghiệp ở miền núi? Chính sách, thể chế hay kỹ thuật, công nghệ?

Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp (CARES)-Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội (HUA) đã cố gắng trả lời phần nào câu hỏi trên; và do vậy chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu nhỏ ở miền núi Nghệ An thuộc lưu vục sông Cả, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên Pù mát và có chung biên giới với nước bạn Lào.

Chỉ ở một địa điểm rất cụ thể này thôi đã có hàng trăm đề tài hay chương trình nghiên cứu do hàng chục cơ quan/tổ chức ở đó có sự góp mặt của hầu hết các cơ quan, Viện nghiên cứu, Trường Đại học danh tiếng tiến hành: Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), VASI, FIPI, NIAPP, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Tổng cục Địa chính, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Tổng cục Khí tượng-Thuỷ văn, Viện Dân tộc học, Viện Văn hoá Dân gian, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Nông nghiệp Hà Nội (ĐHNNHN). Chúng tôi đã phải làm một công việc không mấy dễ dàng là tập hợp, phân loại và đánh giá sơ bộ các kết quả nghiên cứu này. Chúng tôi thấy rằng các kết quả nghiên cứu về lưu vực sông Cả thật là phong phú và đồ sộ, nhất là các nghiên cứu về kỹ thuật, điều tra cơ bản và văn hoá – tộc người, về điều kiện môi trường,… nhưng hầu như chưa có ai để ý nhiều đến vấn đề chính sách trong quản lý tài nguyên và phát triển nông thôn.

Được sự tài trợ của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp đã tiến hành tìm hiểu về ảnh hưởng của chính sách đến quản lý tài nguyên và cuộc sống người dân vùng lưu vực sông Cả. Chúng tôi không có hoài vọng tiến hành phân tích chính sách trong nghiên cứu của mình, mà chỉ làm một công việc đơn giản là ghi chép lại những suy nghĩ và việc làm của người dân, của các cơ quan tổ chức và thực hiện chính sách từ tỉnh đến cấp thôn bản khi các chính sách hay chương trình này được triển khai ở vùng lưu vực sông Cả trong thời gian gần đây.  Qua quá trình nghiên cứu này, chúng tôi cũng đã cố gắng học hỏi được đôi điều về cung cách quản lý tài nguyên của người dân địa phương dưới tác động của những chính sách có liên quan đến quản lý rừng và đất rừng.

Những điều học hỏi được ấy đã được viết thành tập tài liệu “Các chính sách trong quản lý tài nguyên và cải thiện cuộc sống người dân lưu vực sông Cả, Nghệ An, Việt Nam”. Đây là bản nháp đầu tiên của kết quả nghiên cứn. Và ý tưởng về một hội thảo quốc gia hội tụ các cán bộ nghiên cứu và những người có quan tâm đến vấn đề chính sách trong quản lý tài nguyên và phát triển nông thôn miền núi đã được hình thành qua nhiều lần tiếp xúc giữa lãnh đạo Vụ Chính sách, Ban Gíam đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (VACVINA) và Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp – Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Vì thế mà chúng ta có dịp gặp gỡ nhau hôm nay trong hội thảo này.
Hội thảo có 4 mục tiêu:

  1. Xác định những thành công và những trở ngại chính trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách có liên quan đến phát triển nông nghiệp và nông thôn ở các tỉnh trung du và miền núi trong thời gian vừa qua, nhất là những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
  2. Xác định các loại số liệu/tài liệu thông tin cần được: (1) thu thập và phân tích, (2) phổ biến rộng rãi và cơ chế phối hợp thông tin nhằm nâng cao hiệu quả trong việc ra quyết định, và (3) phân tích về những thách thức trong quản lý tài nguyên miền núi.
  3. Tăng cường tiếp xúc và trao đổi giữa những người làm công tác nghiên cứu khoa học với các nhà hoạch định chính sách có quan tâm đến sự nghiệp phát triển lâu bền miền núi Việt nam.
  4. Xác định những lĩnh vực chính sách và thể chế cần được nghiên cứu trong bối cảnh phát triển hiện nay của miền núi Việt nam.

Xem chi tiết