Để đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng đến học tập trực tuyến, nhóm tác giả đã nghiên cứu các tài liệu tham khảo, các công trình đã được công bố về lĩnh vực nghiên cứu, từ đó rút ra một số yếu tố sau:
1. Yếu tố về sự hài lòng của sinh viên
Theo quan điểm của Tâm lý học: “Hứng thú là thái độ đặc biệt của các nhân đối với đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sông, vừa có khả năng mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động” (Nguyễn Quang Uẩn, 2013).
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên và nhận thức về kết quả học tập bao gồm: Giảng viên, tương tác, phong cách học tập, phản hồi, động lực học tập của sinh viên và cấu trúc chương trình học (Sean, B. Eom, H. Joseph Wen, 2006).
Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với môn học trực tuyến còn thể hiện ở chương trình môn học, cơ sở vật chất, dụng cụ giảng dạy, các vấn đề từ góc độ giảng viên (Đặng Đức Hoàn, 2021).
Một số yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học phần giáo dục thể chất như cơ sở vật chất kém chất lượng, nội dung quá khó, sự nhiệt huyết của giảng viên, tố chất cơ thể không tốt cũng là các vấn đề được các tác giả đề cập và nghiên cứu (Đặng Đức Hoàn, Đặng Thị Vân 2020).
Trước bối cảnh đại dịch Covid-19, học tập trực tuyến lại càng thể hiện vai trò vô cùng quan trọng khi các trường đại học ở Việt Nam đang đứng trước lựa chọn là phải tạm thời đóng cửa hoặc phải sử dụng phương pháp học trực tuyến để duy trì vận hành. Theo Gallego và cộng sự (2016), các nghiên cứu về tác động của các động lực cá nhân đến việc học trực tuyến, đặc biệt trong những tình huống bất ổn không có nhiều và tồn tại hạn chế. Mối quan hệ giữa sự hài lòng với chất lượng dịch vụ, ý định tiếp tục duy trì dịch vụ có tính chiến lược và được đề cập trong nhiều nghiên cứu (Bae, 2018; Gong & Yi, 2018).
2. Các yếu tố ảnh hưởng khác
Theo nghiên cứu của Lê Hữu Nghĩa và đồng tác giả (2021), giảng viên tham gia khảo sát cho rằng “khả năng tương tác giữa giảng viên và sinh viên” và “chất lượng hình ảnh truyền tải” là vấn đề còn hạn chế trong việc giảng dạy trực
tuyến, còn sinh viên lại cho rằng “chất lượng âm thanh truyền tải” và “chất lượng hình ảnh truyền tải” là hai tiêu chí cần quan tâm đối với hoạt động học tập trực tuyến.
Lakbala (2016) cũng đã từng đưa ra nhận định tương tự: “Những rào cản khác nhau mà các nhà giáo dục nghề nghiệp gặp phải trong việc thực hiện giảng dạy trực tuyến ở một quốc gia có thu nhập thấp như I-ran là quyền truy cập vào máy tính bị hạn chế và cơ sở hạ tầng vật chất kém” .
Phan Chí Thành (2018) cũng từng đánh giá rằng giáo dục đại học đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong thời đại Cách mạng Công nghệ 4.0. Sự xuất hiện của công nghệ mới đòi hỏi yêu cầu mới về năng lực nhân sự, về khoa học công nghệ và về tri thức.
Lê Văn Toán và Trương Thị Diễm (2020) khẳng định thêm rằng cách mạng Công nghệ 4.0 đã đặt ra những thách thức to lớn đối với E-learning. Để có được môi trường đào tạo Elearning tốt, hiện đại, nhà trường phải đầu tư vào khoa học công nghệ (Đây chính là rào cản, thách thức lớn nhất). Bên cạnh đó, nội dung giảng dạy của E-learning cũng đòi hỏi chất lượng cao hơn, chất lượng và tốn nhiều công sức hơn.
Ở góc nhìn khác, Hye Chang và Heeyoung Han (2020) nhấn mạnh giảng dạy trực tuyến dù có khó khăn cũng có thể tạo các diễn đàn, tạo điều kiện tương tác giữa người học và người hướng dẫn.
Nhóm nghiên cứu Diane O’Doherty và cộng sự (2018) lại đi đánh giá tổng hợp theo chủ đề về các rào cản và tìm kiếm giải pháp chính cho sự phát triển giảng dạy trực tuyến từ quan điểm của nhà giáo dục, trong đó các tác giả tìm 4 rào cản chính gồm các kĩ năng, nguồn lực, chiến lược và hỗ trợ của tổ chức, thái độ có tác động nhiều đến hiệu quả giảng dạy Online.
Theo Ghoreishi và nhóm đồng tác giả (2017), tính đến 2016, có 6 khung phân tích E-learning được đề xuất. Đối sánh các mô hình trên, các tác giả cho thấy khung phân tích tổng quát do Khan (2005) đề xuất là khá rộng và bao gồm nhiều khía cạnh liên quan nhất, từ khía cạnh cá nhân, sư phạm, nội dung đến các khía cạnh kỹ thuật, thiết chế và xã hội.
Theo Khan (2005), khung phân tích này là kết quả của quá trình nghiên cứu trong suốt giai đoạn 1997-2005 nhằm trả lời cho câu hỏi “Cần gì để cung cấp một môi trường học linh hoạt cho người học trên toàn cầu?”. Qua quá trình nghiên cứu, tác giả đã xác định được nhiều yếu tố cần thiết để có thể xác lập một môi trường học có ý nghĩa, trong đó giữa các yếu tố lại có mối liên hệ qua lại mật thiết với nhau. Tác giả đã nhóm các yếu tố này thành 8 khía cạnh chính như sau: tổ chức (institutional), quản lý (management), kỹ thuật (technological), sư
phạm (pedagogical), đạo đức (ethical), giao diện (interface design), hỗ trợ (resource support), và đánh giá (evaluation).
Một công trình khảo lược tổng quan khá chi tiết gần đây về các yếu tố ngăn trở sự thành công của E-learning là công trình của Ali và nhóm đồng tác giả (2018). Các tác giả xem xét 259 công trình có liên quan đến các yếu tố ngăn trở sự thành công của e-learning được công bố trên các tạp chí uy tín trong giai đoạn 1990-2016. Sử dụng kỹ thuật phân tích hỗn hợp, các tác giả xác định được 68 yếu tố có thể gây ngăn trở cho sự thành công của E-learning. Các khía cạnh này được tác giả đề nghị gộp thành ba chiều là Sư phạm, Công nghệ, và Người học. Tuy nhiên, xem xét chi tiết các vấn đề, có thể thấy có thể phân bổ lại các vấn đề này theo khung phân tích do Khan (2005) đề xuất, ví dụ vấn đề phát triển năng lực giảng viên được xếp vào nhóm Sư phạm trong khi theo Khan (2005) thuộc về khía cạnh Tổ chức; vấn đề Thái độ chấp nhận của xã hội được xếp ở nhóm người học trong khi đây là vấn đề thuộc về khía cạnh đạo đức trong khung phân tích 8 nhân tố của Khan (2005). Nhiều yếu tố khác được Khan đề cập có thể tìm thấy trong danh mục các yếu tố do công trình này tổng hợp.
Một số các nghiên cứu khảo lược cũng cho kết quả tương tự như Basak và nhóm đồng tác giả (2016), Cheawjindakarn và nhóm đồng tác giả (2012).
Trong nghiên cứu thực nghiệm, Puri (2012) tiến hành một khảo sát trên 214 người học ở cả hai bậc cử nhân và cao học và xác định 6 trong số các yếu tố do Khan đề xuất có tác động đến sự thành công của e-learning (xếp theo thứ tự quan trọng) là sư phạm, thể chế, công nghệ, đánh giá, hỗ trợ, và giao diện.
Musa và Othman (2012) khảo sát 850 sinh viên bậc cử nhân cũng tìm thấy công nghệ là yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh ba yếu tố khác là sự tham gia của người học, vai trò của người dạy trong thúc đẩy tương tác, thảo luận, và việc cung cấp tài liệu học tập kịp thời trên hệ thống. Như vậy các công trình thực nghiệm nhìn chung xác nhận các yếu tố do Khan đề xuất, với mức độ quan trọng khác nhau tùy từng bối cảnh, nhưng nổi bật là các yếu tố công nghệ và người học.
3. Kết luận
Qua các tham khảo tài liệu chúng tôi nhận thấy các yếu tố ảnh hưởng đến học trực tuyến gồm các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, các yếu tố khách quan từ cơ sở vật chất, thiết bị học tập, hoạt động giảng viên, ngoại cảnh, không gian và thời gian; Yếu tố chủ quan từ góc độ người học về các mặt thái độ, hành vi.
Nhìn từ góc độ khách quan hay chủ quan thì cũng đều có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giảng dạy trực tuyến. Vì vậy tìm ra các giải pháp nhằm hạn chế các yếu tố tiêu cực và phát huy yếu tố tích cực có tác động tốt đến hoạt động giảng dạy nói chung cũng như hoạt động giảng dạy trực tuyến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đặng Đức Hoàn, Đặng Thị Vân, (2020). Một số ảnh hưởng đến hứng thú học tập học phần giáo dục thể chất tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tạp chí GD&XH, tr149-154.3.
2. Musa, M.A., Othman, M.S, (2012). Critical Success Factor in E-Learning: An Examination of Technology and Student Factors. International Journal of Advances in Engineering & Technology, 3(2), 140–148.
3. Nguyễn Quang Uẩn, (2013). Tâm lý học đại cương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 153-162.
4. Nguyễn Văn Toản và cộng sự, (2021). Thực trạng công tác giáo dục thể chất tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Tạp chí Đào tạo và Huấn luyện thể thao. Tr194-200.
5. Lê Hữu Nghĩa và đồng tác giả, (2021). Đánh giá của giảng viên và sinh viên về chất lượng phần mềm và hiệu quả dạy – học trực tuyến mùa dịch covid-19 tại Khoa Y học Cổ truyền Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Tập 18, Số 2 (2021): 358-367.
6. Lê Văn Toán, Trương Thị Diễm, (2020). Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kỳ 2 tháng 5/2020, tr 33-36.
ThS. Nguyễn Văn Quảng
Nhóm NCM-TT GDTC&TT