Các sản phẩm thuỷ sản là một nguồn cung cấp protein quan trọng cho con người đóng góp 17% tổng nhu cầu protein từ động vật với lượng tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản bình quân theo đầu người hiện nay đã tăng gấp ba so với nhưng năm 1960 đạt 20.5 kg/đầu người/năm vào năm 2018 (FAO, 2020). Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, sản lượng thuỷ sản đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 1950-2020 (Hình 1).

leftcenterrightdel
Hình 1. Gia tăng sản lượng thuỷ sản (A) và tiêu thụ bình quân theo đầu người (B) giai đoạn 1950-2020
 Hình 1. Gia tăng sản lượng thuỷ sản (A) và tiêu thụ bình quân theo đầu người (B) giai đoạn 1950-2020

Việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản có thể gây ra nhiều tác động đến môi trường như các tác động liên quan đến phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, phú dưỡng, các tác động liên quan đến độc học, làn truyền dịch bệnh ra môi trường tự nhiên hay các ảnh hưởng đến đáy biển và hệ sinh vật biển...(Avadí and Fréon, 2013; Henriksson & cs, 2012). Các tác động môi trường này đã dẫn đến sự gia tăng các mối quan tâm ngày về tính bền vững môi trường của các sản phẩm thuỷ sản (Henriksson & cs, 2012; Pelletier & cs, 2007). Để đánh giá tính bền vững về môi trường của các sản phẩm đòi hỏi sự xem xét toàn diện các tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm từ quá trình khai thác tài nguyên, sản xuất tạo ra sản phẩm đến quá trình tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm đó. Đánh giá vòng đời sản phẩm (Life Cycle Assessment – LCA) là một phương pháp được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn ISO dùng để đánh giá các tác động môi trường tiềm năng của việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm (Guinée & cs, 2002; ISO, 2006a). Trong LCA, các yếu tố nguyên nhiên liệu đầu vào và đầu ra của mỗi công đoạn trong vòng đời sản phẩm được kiểm kể sau đó các tác động của việc tiêu dùng nguyên vật liệu và các phát thải này sẽ được quy đổi và gộp lại vào những nhóm tác động, ví dụ: phát thải khí nhà kính, phú dưỡng, tiêu thụ tài nguyên, sử dụng đất, mưa axít, các tác động độc học... Trong đó, tác động đối với gia tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu là nhóm tác động rất được quan tâm thông qua đánh giá dấu chân carbon. Dấu chân carbon (carbon footprint) là tổng tác động tiềm năng gây gia tăng hiệu ứng nhà kính mà một sản phẩm gây ra trong các giai đoạn trong vòng đời của nó  được tính bằng tổng lượng phát thải khí nhà kính (tính theo khối lượng carbon tương đương) trên một đơn vị sản phẩm trong tất cả các khâu từ khai thác nguyên nhiên liệu, sản xuất/chế biến đến tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm đó (Liu & cs, 2016). Dấu chân carbon được tính toán dựa trên phương pháp đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA – Life Cycle Assessment) (ISO, 2006b).

 
leftcenterrightdel
Hình 2. Sơ đồ xác định dấu chân carbon của sản phẩm cá hồi phi lê
 Hình 2. Sơ đồ xác định dấu chân carbon của sản phẩm cá hồi phi lê

Cá hồi là loại thuỷ sản được tiêu dùng phổ biến với sản lượng cá hồi Đại Tây Dương ước đạt 2 triệu tấn trong năm 2020 (MOWI, 2021). Tuy nhiên, loài cá này chỉ được nuôi tại một số vùng có điều kiện phù hợp trên thế giới, ví dụ: Nauy, Chilê… Sau khi nuôi tại các vùng trên, cá hồi sẽ được vận chuyển đi chế biến ở các vùng khác nhau trên thế giới để phục vụ quá trình tiêu thụ. Do đó, vận chuyển có thể có đóng góp quan trọng vào dấu chân carbon của các sản phẩm cá hồi.

Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài cấp học viện mã số T2021.13-60 đã tiến hành đánh giá dấu chân carbon của sản phẩm cá hồi phi lê của công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn Hưng Yên bằng phương pháp LCA. Kết quả nghiên cứu cho phép đánh giá đóng góp của quá trình vận chuyển, chế biến cá hồi phi lê tại công ty, cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về dấu chân carbon của sản phẩm. Đồng thời, kết quả nghiên cứu sẽ chỉ ra các công đoạn trong chuỗi cung ứng sản phẩm cá hồi phi lê có tác động lớn nhất đến dấu chân carbon làm cơ sở đề xuất các biện pháp giảm dấu chân carbon của sản phẩm. Đề tài tiến hành nghiên cứu 2 kịch bản vận chuyển nguyên liện cá hồi từ Nauy về Việt Nam: kịch bản 1: vận chuyển bằng máy bay; kịch bản 2 vận chuyển bằng đường biển.

 
leftcenterrightdel
 Hình 3. Phương thức vận chuyển nguyên liệu cá hồi từ Nauy về Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn – Hưng Yên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trung bình 1 kg cá hồi phi lê chế biến tại công ty cổ phần Trung Sơn Hưng Yên có dấu chân carbon dao động từ 7.2 kgCO2-tđ -15.05 kg CO2-tđ khi nguyên liệu được vận chuyển tương ứng bằng đường biển và đường hàng không. Trong công đoạn nuôi, sơ chế cá hồi mổ bụng nguyên đầu và chế biến cá hồi phi lê tại công ty Trung Sơn, lần lượt việc sản xuất, tiêu thụ thức ăn và tiêu thụ điện là cá yếu tố đóng góp chính vào dấu chân carbon trong các công đoạn này (Hình 4). Trên cơ sở đó, các giải pháp giảm thiểu dấu chân carbon của sản phẩm cá hồi phi lê tại công ty cổ phần Trung Sơn Hưng Yên đó là kiểm soát phương thức vận chuyển phù hợp, tiếp cận nguồn nguyên liệu có dấu chân carbon thấp, kiểm soát nguồn điện tiêu thụ, chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo phát thải ít khí nhà kính.

leftcenterrightdel
 Hình 4. Đóng góp của các quá trình, công đoạn vào dấu chân carbon của sản phẩm cá hồi phi lê chế biến tại công ty Cổ phần Trung Sơn Hưng Yên theo 2 kịch bản: kịch bản 1 nguyên liệu được vận chuyển bằng đường hàng không và kịch bản 2 nguyên liệu được vận chuyển bằng đường biển

Đây là nghiên cứu bước đầu áp dụng phương pháp LCA vào xác định dấu chân sinh thái của một sản phẩm, dịch vụ ở Việt Nam. LCA là một công cụ hữu ích giúp thiết lập hồ sơ môi trường (environmental profile) của các sản phẩm, cho phép đánh giá các điểm nóng về các tác động môi trường (environmtal hotspot) trong chuỗi cung ứng các sản phẩm.

                                                                                                                                                                                                                    ThS. Lương Đức Anh