Từ thực trạng những vấn đề liên quan đất đai trong sản xuất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, giao dịch về bất động sản và công tác quản lý Nhà nước…, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng nêu rõ: quản lý chặt chẽ đất đai và thị trường bất động sản... Có thể nói rằng, khái niệm thị trường bất động sản lần đầu được đề cập trong Báo cáo chính trị của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng chủ trương: Hình thành và phát triển thị trường bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; từng bước mở rộng thị trường bất động sản cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia đầu tư. Như vậy, đến thời điểm này, hình thành và phát triển thị trường bất động sản trong đó có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật là một chủ trương của Đảng, chủ thể tham gia thị trường bất động sản được mở rộng đến người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006) của Đảng xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước là quản lý tốt thị trường bất động sản đồng thời là nhà đầu tư bất động sản lớn nhất; Tổ chức các hình thức kinh doanh như Nhà nước đầu tư khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp thuê mặt bằng, doanh nghiệp tư nhân được dùng giá trị quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc góp cổ phần liên doanh...; Hoàn thiện hệ thống luật pháp về kinh doanh bất động sản. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Nghị quyết số 08-NQ/TW, Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), ngày 05/2/2007 Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới cụ thể hóa: nghiên cứu tạo bước đột phá trong quản lý và vận hành thị trường bất động sản…; Tạo khung pháp lý để mở rộng từng bước quyền của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản; Tổ chức vận hành hiệu quả hệ thống đăng ký bất động sản thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch về bất động sản. Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), ngày 30/01/2008 Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục nêu rõ: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để các quyền về đất đai và bất động sản được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh; Hoàn thiện chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, ngăn chặn những cơn sốt giá do đầu cơ bất động sản, đặc biệt là đất đai.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016) của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt, phù hợp quy luật cung - cầu nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ đất đai và tài sản, kết cấu hạ tầng trên đất; ngăn ngừa đầu cơ, lãng phí. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng tiếp tục khẳng định: phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; thị trường quyền sử dụng đất. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 16/6/2022 Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao tiếp tục khẳng định: Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất.

Khái niệm thị trường bất động sản lần đầu được hình thành trong Báo cáo chính trị của Đảng (1996). Trên cơ sở đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân, Đảng đề ra chủ trương về phát triển thị trường bất động sản gắn liền với xây dựng pháp luật kinh doanh bất động sản, trong đó xác định các vấn đề về chủ thể tham gia thị trường, các hình thức giao dịch, giá cả, thuế… và đặc biệt là vai trò quản lý của Nhà nước. Thị trường bất động sản nhờ đó phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh, bền vững và có những đóng góp cần thiết, quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

TS. Trần Lê Thanh - Khoa Khoa học xã hội