Theo Từ điển Giáo dục học, sinh viên là người học tại các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học. Theo Luật Giáo dục đại học, sinh viên là người đang học tập và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học, theo học chương trình đào tạo cao đẳng, chương trình đào tạo đại học.

Sinh viên thường ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, đây là thời kỳ phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và ổn định tâm lý, tính cách sau những biến động sâu sắc của tuổi dậy thì, là giai đoạn chuẩn bị cho việc hình thành nghề nghiệp. Lứa tuổi sinh viên là lứa tuổi rất thích khám phá, tìm tòi cái mới, họ thích bộc lộ những thế mạnh của bản thân, thích trau dồi, trang bị vốn sống, hiểu biết cho mình, dám đối mặt với những thử thách trong học tập, nghiên cứu và trong cuộc sống thường ngày để khẳng định bản thân. Tuy nhiên, lứa tuổi sinh viên cũng có hạn chế nhất định. Sinh viên là lứa tuổi đang hình thành và khẳng định nhân cách, còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu chín chắn trong suy nghĩ, hành động, đặc biệt trong việc tiếp nhận thông tin. Trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế và phát triển công nghệ thông tin hiện nay, sinh viên có nhiều điều kiện tiếp thu những cái mới nhưng nếu không có định hướng và chọn lọc, sinh viên dễ tiếp nhận, bị lôi kéo bởi những tư tưởng, lối sống không phù hợp với chuẩn mực, truyền thống văn hóa, thậm chí cả những tư tưởng phản tiến bộ, phản cách mạng.

leftcenterrightdel
 

Ảnh: Trang phục đến giảng đường của sinh viên (Nguồn: Tuoitrethudo.vn)

Những năm gần đây, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là Internet, mạng xã hội để xâm nhập, tác động tiêu cực tới tư tưởng, ý chí và bản lĩnh chính trị của thanh niên với mục đích làm “chuyển hóa” nội bộ trong suy nghĩ và tư tưởng của giới trẻ, đưa thông tin sai sự thật, lấp lửng, giật gân, hướng dư luận ngả theo quan điểm sai trái, tạo ra các diễn đàn để nhiều người trẻ truy cập, bình luận theo hướng tiêu cực. Thực tế cho thấy, đã xuất hiện tình trạng có những sinh viên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có ý chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào tệ nạn, một số sinh viên bị ảnh hưởng, kích động đã hùa theo, đề cao cái gọi là “tự do ngôn luận”, “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền” dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật… Do đó, để hoàn thành mục tiêu “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” thì vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay là vấn đề vô cùng cấp thiết.

Theo học giả Đào Duy Anh: “Nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào trong lòng người là đức. Đạo đức: Cái lý pháp người ta nên noi theo”1. Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng, đạo đức là những nguyên tắc, quy định phù hợp với sự vận động của xã hội, được con người thừa nhận, tiếp nhận làm cơ sở chi phối hành vi ứng xử của con người theo chuẩn mực giá trị nhất định ở mỗi giai đoạn lịch sử, là tiêu chí đặt ra để mọi người phấn đấu, làm theo. Hiện nay, đạo đức được hiểu “là một hình thái của ý thức xã hội, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội”2.

Lối sống, được hiểu là “sinh hoạt cá nhân, chủ quan hóa của hệ thống những quan hệ xã hội, của toàn bộ tổng thể những điều kiện sống, thể hiện trong hoạt động sống của con người”3. Khi nói về lối sống, người ta thường nhấn mạnh nội dung cốt lõi là lối sống văn hóa, thể hiện ở một số phương như lẽ sống, nếp sống…

Giáo dục là một từ Hán Việt, “giáo” nghĩa là dạy, chỉ bảo; “dục” nghĩa là nuôi dưỡng. Giáo dục là dạy dỗ, nuôi dưỡng để con người phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mĩ. Từ điển Bách khoa Việt Nam giải nghĩa: “Giáo dục: quá trình đào tạo con người một cách có mục đích, nhằm chuẩn bị cho con người tham gia đời sống xã hội, tham gia lao động sản xuất, nó được thực hiện bằng cách tổ chức việc truyền thụ và lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử - xã hội của loài người”4.

Việc giáo dục đạo đức đối cho sinh viên hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng:

Thứ nhất, giáo dục đạo đức góp phần tích cực trong quá trình xây dựng phẩm chất đạo đức cá nhân và xây dựng những phẩm chất ý chí, tính kỉ luật, cách ứng xử có văn hóa trong. Quá trình toàn cầu hóa và cuộc cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 dẫn đến nguy cơ hình thành một thế hệ con người Việt Nam thụ động, ỷ lại, nảy sinh lối sống tha hóa, đề cao lợi ích cá nhân, tuyệt đối hóa đồng tiền... Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, trước hết là giáo dục ý thức chủ động, tự giác trong học tập, sinh hoạt thường ngày của mỗi sinh viên. Giáo dục cách thức tự tổ chức ngăn nắp, kế hoạch ở khu ký túc xá trường học, giúp sinh viên hình thành quan niệm sống tích cực, rèn luyện, xây dựng những phẩm chất đạo đức cá nhân, những phẩm chất ý chí, tính kỉ luật, cách ứng xử nhân văn, tình người.

Thứ hai, giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên là giải pháp tiên quyết nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường. Môi trường văn hóa được hiểu là sự hiện hữu các yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể do con người tái tạo ra; sự hiện hữu của cả những yếu tố vật thể tự nhiên bao quanh con người, trở thành khung cảnh và điều kiện tồn tại của con người; sự hiện diện của các nhân cách văn hóa trong không gian, thời gian xác định, quan hệ, tác động. Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học nhằm mục đích tạo ra môi trường học đường lành mạnh, nền nếp, văn minh, thanh lịch giàu tính nhân văn. Thực chất xây dựng ứng xử văn hóa trong trường học là các trường học chủ động tạo ra chuẩn mực văn hóa, hình thành nếp sống văn hóa trong mối quan hệ giữa con người với con người và con người với môi trường tự nhiên ở trường học. Thực tế cho thấy, không thể xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, văn minh, mang tính nhân văn nếu không chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.

Thứ ba, thông qua giáo dục đạo đức, sinh viên được việc tiếp thu những giá trị hiện đại như: ý thức tổ chức, kỉ luật, tác phong công nghiệp, thái độ tôn trọng và tuân thủ pháp luật,..., đồng thời, sinh viên còn được tiếp thu, kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Đào Duy Anh (1950), Giản yếu Hán Việt Từ điển, Nxb Minh Tân, Paris-XIV.

2.    Ban Tuyên giáo Trung ương (2016), Tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

3.    Nguyễn Hữu Thực, Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên – nền tảng xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học, Tạp chí Giáo dục Nghệ Thuật, số 30- 2019.

4.    V. Đôbơrianốp (1985), Xã hội học Mác-Lênin, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội.

Đỗ Thị Hạnh - Khoa Khoa học xã hội