Viện Sinh học Nông nghiệp chuyển giao công nghệ khí canh trong nhân nhanh giống cây giảo cổ lam tại Hưng Yên

Năm 2022, Viện Sinh học Nông nghiệp là tổ chức phối hợp thực hiện chính trong nhiệm vụ xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ khí canh nhân nhanh giống giảo cổ lam tại tỉnh Hưng Yên” do Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN thuộc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hưng Yên chủ trì thực hiện.

Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum) được biết đến là loại thảo dược nổi tiếng từ lâu đời bởi đặc tính chống căng thẳng giúp khôi phục sự cân bằng của cơ thể và cải thiện trí nhớ. Giảo cổ lam có hàm lượng saponin cao gấp 3-4 lần so với nhân sâm. Nghiên cứu hoá sinh đã chỉ ra, ngoài saponin, giảo cổ lam còn chứa flavonoid, polysacarit, vitamin, các chất khoáng, nguyên tố vi lượng, amino acids và protein. Ở Việt Nam, đây là cây thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay với tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ ho, trừ đờm; chủ trị đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, viêm gan virus, viêm thận, viêm dạ dầy cấp, bệnh tiểu đường, chứng tăng mỡ máu. Giảo cổ lam có thể được sử dụng dưới dạng chè hãm, trà túi lọc, viên nén, viên nang... Hiện nay, nhu cầu thị trường về cây giảo cổ lam là rất lớn, lên tới hàng trăm tấn/năm. Nhiều công ty dược đã và đang đầu tư khai thác một lượng lớn cây giảo cổ lam từ tự nhiên để sản xuất thuốc. Tuy nhiên, việc khai thác chủ yếu từ tự nhiên khiến cho số lượng giảo cổ lam suy giảm nhanh chóng, chất lượng của dược liệu không ổn định. Mặt khác, hiện nay quy trình trồng trọt và nhân giống loại dược liệu này vẫn chưa được nghiên cứu một cách bài bản. Do đó, các biện pháp kỹ thuật phù hợp để góp phần triển khai trồng dược liệu giảo cổ lam là cần thiết vừa đảm bảo cân bằng sinh thái, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu cũng như tăng thu nhập cho người dân địa phương. Trên cơ sở những lợi thế mà công nghệ khí canh mang lại cùng với sự kế thừa tài sản nhà kính 400m2 từ Dự án thuộc Chương trình phát triển nông thôn và miền núi đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên bàn giao, việc xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ khí canh vào nhân nhanh giống giảo cổ lam là cần thiết và hiệu quả.

Viện Sinh học Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn đơn vị sửa chữa, bổ sung hoàn thiện nhà kính đảm bảo phù hợp với điều kiện nhân nhanh giảo cổ lam trên cơ sở sửa chữa cải tạo từ hệ thống nhân nhanh giống khoai tây sạch bệnh. Sau hơn 2 tháng chuẩn bị và hoàn thiện, hệ thống khí canh đã đảm bảo các yêu cầu và đưa vào sử dụng.

Quy trình chọn giống, nhân nhanh giảo cổ lam bằng phương pháp khí canh cũng như pha chế, sử dụng dung dịch dinh dưỡng cũng được các cán bộ kỹ thuật của Viện trực tiếp hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết. Các khó khăn hay vướng mắc gặp phải trong quá trình chuyển giao đều được giải đáp và khắc phục kịp thời.

leftcenterrightdel

Cây giảo cổ lam trên hệ thống khí canh khi mới giâm cành

 

Kết quả chuyển giao cho thấy, giảo cổ lam có tỉ lệ sống rất cao (95% - 99%), cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, 100% cây ra rễ, chồi mới và thời gian xuất hiện chồi mới rất nhanh.

leftcenterrightdel

Cây giảo cổ lam sau trồng 2 tháng trên hệ thống khí canh

 

Kết thúc đợt chuyển giao đã đào tạo được 03 cán bộ của Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN có khả năng tiếp nhận và làm chủ được công nghệ nhân nhanh giống giảo cổ lam trên hệ thống khí canh. Đây là điều kiện quan trọng để có thể nghiên cứu mở rộng mô hình nhân giống các loại cây trồng khác bằng phương pháp khí canh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.